Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 20% doanh nghiệp khó có thể tiếp tục hoạt động. Ngoài nhóm này, 60% thành viên hiệp hội đang chịu tác động của khó khăn kinh tế, nên sản xuất sút kém. Lạm phát đang làm các công ty không kiểm soát được chi phí, mất thị trường và không đủ vốn để duy trì sản xuất. 20% còn lại là các công ty chịu ít ảnh hưởng và vẫn trụ vững do trước nay ít phải nhờ đến nguồn vốn vay và được các lãnh đạo có kinh nghiệm dẫn dắt.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số gần 350.000 doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, khoảng 95% là nhỏ và vừa.
Trong một cuộc trao đổi gần đây với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cảnh báo, nếu không được hỗ trợ kịp thời, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ biến mất do không còn khả năng bám trụ trong khó khăn kinh tế. "Quý IV năm nay và quý I năm sau sẽ là thời điểm vất vả nhất cho các doanh nghiệp, bởi đến lúc đó, việc duy trì các nguồn lực là rất khó", bà Lan nhận định.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm 80% số công ty tại Việt Nam. |
Bà Phạm Chi Lan phân tích, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa huy động vốn theo 2 cách, vay ngân hàng và từ bạn bè hoặc từ chính các đối tác thông qua việc ứng tiền trước, hay được chấp nhận trả chậm tiền hàng. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn huy động từ bạn bè, đối tác không còn, bởi họ đều khan vốn và tìm cách thu về.
Mới đây, một số ngân hàng công bố hạ lãi suất cho vay và ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song các nhà băng đều có tiêu chí ưu tiên vốn cho từng nhóm doanh nghiệp nhất định. Theo ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội công thương Hà Nội, chỉ khoảng 50% doanh nghiệp ngoài quốc doanh tiếp cận được vốn ngân hàng.
Trao đổi với các doanh nghiệp tại Hội thảo Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Vai trò, thách thức và triển vọng sáng nay tại Hà Nội, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cũng nhận định, khi nền kinh tế đặt ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn hơn cả. "Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó chống đỡ hơn các công ty khác bởi hạn chế về tiềm lực tài chính, năng lực quản lý, kinh nghiệm thương trường, cũng như ít cơ hội tiếp cận các nguồn lực", Thư trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Tuy nhiên, theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn quản lý và Đào tạo VFAM, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có nhiều hạn chế mà đến khi nền kinh tế hội nhập sâu hơn mới lộ diện. Thiếu minh bạch, làm ăn theo lối "gia đình trị" và nguyên tắc thuận tiện là hiện tượng thường xảy ra. Vị luật sư này từng gặp những trường hợp trong một hệ thống doanh nghiệp gia đình, công ty của người bố cho đơn vị phân phối của người con nợ số tiền lớn trong thời gian dài. Khi đối tác nước ngoài phát hiện cách làm việc này, họ lập tức chấm dứt hợp đồng.
Số liệu điều tra của Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, ngay cả trong điều kiện lạm phát, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh vẫn có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, chỉ hơn 10% được vay 100% theo nhu cầu. Luật sư Vũ Xuân Tiền nhận định, những con số này cho thấy, 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước nguy cơ phá sản.
TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng các công ty này đang cần sự trợ giúp của Chính phủ. Hiệp hội cũng đã kiến nghị Thủ tướng về vấn đề này.
Trong khi đó, theo Luật sư Vũ Xuân Tiền, cần có sự điều chỉnh, từng bước nới lỏng hạn mức tín dụng, nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối dòng tiền tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và tránh tình trạng các dự án phải "nằm chờ vĩnh viễn". Mặt khác, doanh nghiệp nên được giảm thuế để còn có nguồn thu.
Cũng theo ông Vũ Xuân Tiền, chính các doanh nghiệp cần rà soát lại hoạt động để tạo ra sự minh bạch trong điều hành và giữ cho được chữ tín. Trong điều kiện hiện nay, ông Tiền cho rằng, hợp tác với nhau và với nhà đầu tư nước ngoài là một cách tốt để doanh nghiệp tồn tại và có khả năng cạnh tranh.
Ngọc Châu
Hãy chia sẻ những khó khăn doanh nghiệp bạn đang gặp tại đây.