Thông tin trên được bà Đinh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn SMEs Hà Nội cho biết tại một hội thảo sáng 12/6.
"Chính sách đưa ra rất hoàn hảo nhưng lại không đánh giá được kết quả cuối cùng", bà nói và dẫn chứng với quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương.
Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bổ sung qua các năm đến 2.000 tỷ, nhưng đến nay mới có hơn 100 tỷ đồng được duyệt và 52 tỷ được giải ngân cho hơn chục dự án. Một con số theo bà là "quá nhỏ, giống như ném cát vào ao hồ". Bởi vậy, theo đề xuất của bà Ngân cũng như một số doanh nghiệp khác, các cơ chế chính sách cần phải được sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên thực tế.
Câu chuyện tương tự đối với quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương khi vốn điều lệ của các quỹ ở địa phương rất mỏng, là quỹ bảo lãnh nhưng lại có nguyên tắc bảo toàn vốn, yêu cầu tài sản đảm bảo khiến cho chính sách vẫn chỉ đang nằm trên giấy. Điều này khiến ông Nguyễn Trí Hiếu đặt ra vấn đề thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia.
Về vấn đền này, ông Võ Trí Thành chia sẻ, ý tưởng này từng được nghiên cứu cách đây mười mấy năm. Các vấn đề được đặt ra như mô hình địa phương hay trung ương, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu hay như thế nào. Tuy nhiên, sau nhiều năm, quỹ bảo lãnh gần như vẫn không hoạt động.
10 năm không vay được vốn ngân hàng
Nửa đầu năm, các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động cầm chừng trong khi một số đã giải thể. Trong suốt ba tiếng đồng hồ của hội thảo, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia cùng nhận định, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay là tính thanh khoản.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Họ không cần các chính sách giảm thuế hay gói hỗ trợ nào khác. Cần phải giúp họ vượt qua trở ngại về vốn, bằng cách này hay cách khác".
Về chuyện vay vốn, ông Bùi Ngọc Tường, đại diện cho Tập đoàn Đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành – một SME đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên cả nước, bức xúc nói 10 năm không vay được vốn ngân hàng. Do vốn điều lệ chỉ ở mức 120 tỷ đồng, lại cần đầu tư vào hơn 20 nhà máy nên nhu cầu vay vốn rất lớn.
Theo ông Tường, Hùng Thành chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại ngân hàng. Mỗi tháng, doanh nghiệp của ông có khoảng 2 tỷ đồng chảy vào tài khoản tại Agribank. "Tuy nhiên, 10 năm nay chúng tôi vẫn chưa vay được đồng vốn nào tại đây", ông nói.
Lý do là doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu từ phía ngân hàng là phải có tài sản thế chấp thuộc về người sáng lập. "Cũng không thể lấy tài sản của cán bộ nhân viên khác ra thế chấp. Như vậy thì khó quá", ông nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương nhận định, việc SME đứng ngoài vòng tín dụng của ngân hàng không phải là mới và cũng không phải do đại dịch.
Ông nói, bản chất hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp ở Việt Nam có độ tin cậy thấp, đối với SMEs lại càng thấp hơn. Vì thế, để thuyết phục ngân hàng cung ứng vốn, các doanh nghiệp phải tự chuẩn hoá lại mình.
Khi đã chuẩn hóa, họ có thể tìm đến các nguồn vốn khác ngoài tín dụng nhà băng như phát hành trái phiếu, niêm yết lên UPCoM.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cân nhắc phương án nhờ các đơn vị tư vấn về quản lý dòng tiền, bởi một khi quản lý tốt, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm đến nguồn vốn nhà băng hơn.
Ông Nguyễn Tú Anh nói rằng hệ thống ngân hàng không thiếu tiền và rất muốn cho vay vì đó là hoạt động bán hàng sinh lời cho họ. Họ cũng muốn bán càng nhiều càng tốt. Song, cho vay thì phải đảm bảo thu hồi được vốn vì ngân hàng huy động tiền từ dân cư. Chưa kể, theo ông, doanh nghiệp ngày càng khó vay vốn hơn cũng dễ hiểu bởi ngành ngân hàng bắt buộc phải nâng chuẩn tín dụng.
Quỳnh Trang