Chương trình là một sáng kiến toàn cầu về thực hành dinh dưỡng y khoa do tập đoàn chăm sóc sức khỏe Abbott Laboratories khởi xướng nhằm giúp các chuyên gia y tế nâng cao kiến thức thực hành, đạt hiệu quả tốt hơn trong điều trị, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân nằm viện, đặc biệt là bệnh nhân nghèo.
Giảm thiểu hai gánh nặng
Nằm viện đã là nỗi lo chung của mỗi người nhưng vì không hiểu hết vai trò dinh dưỡng trong giai đoạn này, nguy cơ bệnh thêm trầm trọng là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, suy dinh dưỡng trên bệnh nhân nằm viện là một tình trạng phổ biến tại các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, kết quả ban đầu từ các nghiên cứu tại TP HCM, Hà Nội và Cần Thơ cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng trên bệnh nhân nằm viện là khoảng 60%. Suy dinh dưỡng gây những hậu quả to lớn về sức khỏe như tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng biến biến chứng, tăng nguy cơ tử vong… điều đó làm cho chi phí điều trị, chi phí thuốc men cao hơn rất nhiều lần.
Theo các nghiên cứu đã công bố, chi phí điều trị các biến chứng trên bệnh nhân bị suy dinh dưỡng là hơn 26.000 đôla Mỹ/ca trong khi chi phí này chỉ khoảng 6.858 đôla Mỹ /ca đối với các bệnh nhân không gặp tình trạng suy dinh dưỡng.
GS. TS Chu Mạnh Khoa, Chủ tịch Hội Gây Mê Hồi Sức Việt Nam, Trưởng Khoa hồi Sức Cấp Cứu BV Việt Đức cho biết: “Hiện nay, nhiều người vẫn có thói quen xem thuốc là phương pháp điều trị duy nhất cho các bệnh nhân phải điều trị trong bệnh viện, mà thiếu quan tâm tới tình trạng dinh dưỡng của người bệnh, trong khi tình trạng suy dinh dưỡng trên bệnh nhân là khá phổ biến và ảnh hưởng xấu tới kết quả điều trị. Việc áp dụng liệu pháp dinh dưỡng y khoa hợp lý đúng cách, đúng thời điểm sẽ giúp cải thiện rõ rệt tình trạng bệnh, rút ngắn số ngày nằm viện, và giảm chi phí điều trị”.
Nếu có sự hiểu biết đầy đủ về vai trò của liệu pháp dinh dưỡng y khoa, các bác sĩ sẽ làm giảm thiểu rất nhiều các biến chứng do tình trạng suy dinh dưỡng trên bệnh nhân gây ra, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục; điều đó làm giảm gánh nặng về chi phí điều trị cho bệnh nhân và ngành y tế ở mỗi quốc gia. Chương trình TNT đã tập trung giảm thiểu hai gánh nặng này ở các quốc gia được thực hiện.
TNT toàn cầu
Sáng kiến TNT được khởi xướng và thành lập bởi tập đoàn Abbott Laboratories vào tháng 4 năm 1997. Chương trình này ngày càng được hoàn thiện qua nhiều lần tổ chức tại các quốc gia và sự đóng góp của các chuyên gia dinh dưỡng y học hàng đầu thế giới. Ông Seiji Aoyagi (Trưởng dự án TNT toàn cầu) cho biết “chương trình toàn cầu TNT có điểm khác biệt các chương trình khác về ứng dụng các nghiên cứu khoa học tiên tiến về dinh dưỡng kết hợp thực tế lâm sàng và hiệu quả điều trị bằng dinh dưỡng y khoa thành công tại các quốc gia khác để áp dụng cho hệ thống Y tế địa phương. Bênh cạnh đó, TNT áp dụng các phương pháp huấn luyện thực tiễn qua hình thức đào tạo các chuyên gia nòng cốt cho mỗi quốc gia (train to trainer), các chuyên gia “hạt nhân” này sẽ tiếp tục “nhân bản” kiến thức ra cho nhiều bác sĩ khác tại quốc gia đó”.
Đến nay, TNT đã cung cấp các chương trình huấn luyện cho hơn 10.000 bác sĩ tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Áp dụng vào Việt Nam
Trong thời gian tổ chức từ ngày 8 đến 10/7 vừa qua tại Việt Nam với sự tham dự của nhiều đại diện từ Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan và Malaysia, chương trình đã trao đổi kinh nghiệm y khoa giữa các quốc gia và huấn luyện cho các bác sĩ Việt Nam những phương pháp phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng trên bệnh nhân nằm viện, phát triển các liệu pháp dinh dưỡng trong điều trị phù hợp với từng đối tượng bệnh, để từ đó có thể đưa ra các phương án điều trị tổng thể hiệu quả và kịp thời, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi. “Ngoài phương pháp điều trị bằng thuốc cho các bệnh nhân trong bệnh viện, quan tâm tới tình trạng dinh dưỡng của người bệnh và áp dụng liệu pháp dinh dưỡng y khoa hợp lý đúng cách, đúng thời điểm sẽ giúp cải thiện rõ rệt tình trạng bệnh, rút ngắn số ngày nằm viện và giảm chi phí điều trị”, ông Seiji cho biết thêm.
Bên cạnh các nguyên nhân về nguồn cung cấp dinh dưỡng, sự thiếu hụt các chương trình giáo dục dinh dưỡng cho các bác sĩ chuyên khoa đã làm cho việc điều trị của bệnh nhân trở nên tốn kém và không đạt hiệu quả cao. Do đó, bước đầu của chương trình TNT Việt Nam đã được Abbott phối hợp với Chi Hội Dinh dưỡng lâm sàng tổ chức cho nhiều Bác sĩ và điều dưỡng trên phạm vi cả nước.