Theo Trung tâm Quốc gia dự báo khí tượng thuỷ văn, mực nước vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên sẽ tiếp tục tăng 5-15 cm/ngày. Lũ sông Cửu Long tiếp tục ảnh hưởng rộng hơn ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long Xuyên, Kiên Giang và lan dần sang các tỉnh khác.
Lũ đã gây sạt lở nghiêm trọng ven sông Tiền, trong đó huyện Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị thiệt hại nặng nhất. Từ đầu mùa lũ đến nay, tại các xã Thường Phước 1, Long Khánh A, Long Thuận, Thường Lạc, thuộc huỵên Hồng Ngự có khoảng 150.000 m2 đất bị sụp xuống sông Tiền. Còn ở Tân Châu, diện tích đất bị sạt vượt hơn 63.000 m2.
Các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, Long An, hiện có hơn 20 nghìn hộ có nhà bị ngập do lũ, trong đó có trên 10 nghìn hộ phải di dời khẩn cấp. Đường giao thông nông thôn tại những vùng ngập sâu thuộc Đồng Tháp Mười đã bị cắt đứt. Ngày khai giảng tới sẽ có khoảng 50 nghìn học sinh vùng lũ chưa được đến trường.
Hiện nay, các tỉnh phía Nam đang khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với lũ. Tỉnh An Giang đã thành lập 264 điểm tìm kiếm cứu nạn, trang bị thêm phương tiện cứu hộ cho các khu vực xung yếu. Tỉnh Đồng Tháp đã di dời được 3.800 hộ thuộc vùng ngập sâu ở các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng vào các cụm tuyến dân cư vượt lũ và những nơi an toàn, chuẩn bị đưa thêm 8.000 hộ vào ở tại khu vực này.
Ở Long An, các đơn vị phòng chống lụt bão cơ sở đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng 50 cụm tuyến dân cư vượt lũ, đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho khoảng 7.500 hộ. Lực lượng bộ đội địa phương, biên phòng đóng ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười đã tổ chức các đợt diễn tập cứu nạn, cứu hộ trong mùa lũ.
Trong giai đoạn 2003-2005, Bộ NN&PTNT sẽ đầu tư xây dựng các cụm thủy lợi nhỏ trên địa bàn hai huyện Ma Đrắc và Krông Bông (tỉnh Đăk Lăk). Dự kiến mức đầu tư mỗi năm cho các công trình này từ 15 tỷ đồng trở lên, mỗi cụm thủy lợi nhỏ sẽ có khả năng đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 200 ha đất sản xuất.
X.H.