![]() |
Dệt may Việt Nam có thể đối mặt với vụ kiện phá giá tại Mỹ. Ảnh: Trung Bình. |
Tại phiên điều trần, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ trực tiếp nghe các bên liên quan đến xuất nhập khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường lớn này, trình bày chính kiến của mình trước khả năng áp đặt cơ chế giám sát 6 tháng một lần đối với dệt may xuất xứ từ đất nước có hơn 80 triệu dân. Đại diện hiệp hội chỉ có 5 phút để bày tỏ quan điểm trước DOC.
Đại diện Bộ Thương mại Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hội dệt may thêu đan TP HCM sẽ tham gia phiên điều trần. Phía Mỹ, ngoài DOC, có mặt đại diện của hiệp hội dệt may, các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp có liên quan.
Hiện DOC đã kết thúc 2 vòng thu thập ý kiến của các bên liên quan bằng mail, fax... để chuẩn bị cho phiên điều trần công khai.
Trao đổi với VnExpress, ông Kiệt cho biết, tuần sau Hiệp hội dệt may Việt Nam sẽ họp để thảo luận những nội dung chính cần trình bày trong 5 phút ít ỏi ấy. "Kinh nghiệm điều trần trong vụ kiện phá giá giày mũ da Việt Nam của EU năm ngoái cho thấy, chỉ nên nói những ý chính hết sức ngắn gọn và dành thời gian còn lại cho cử tọa hỏi", ông Kiệt nói. Thời gian trình bày tại DOC eo hẹp hơn, chỉ bằng 1/4 thời gian EU cho phép.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, hiện Hiệp hội dệt may Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch lobby cụ thể để vận động hành lang phía Mỹ không áp đặt cơ chế giám sát đối với hàng dệt may Việt Nam.
Năm ngoái, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, việc thực hiện cam kết WTO đồng nghĩa với Mỹ phải bỏ hạn ngạch dệt may lâu nay vẫn áp đặt cho hàng có xuất xứ từ Việt Nam. Lo ngại dệt may Việt Nam sẽ cạnh tranh với hàng nội địa, nhiều nghị sĩ Mỹ đã phản đối việc dành Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam.
Để tháo gỡ rào cản này, Bộ Thương mại Mỹ đề xuất giải pháp sẽ khởi động cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam 6 tháng một lần. Đổi lại, PNTR với Việt Nam được thông qua đúng như kế hoạch. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng, cơ chế giám sát cũng sẽ tự khởi động vụ kiện phá giá đối với hàng có xuất xứ từ Việt Nam nếu phía Mỹ điều tra thấy có dấu hiệu hàng dệt may Việt Nam nhận trợ cấp của chính phủ hoặc bán phá giá tại Mỹ.
Phan Anh