Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, tại Bình Thuận, mưa lớn đã gây lũ quét trên suối Cầu Mi, xã Gia Huynh (huyện Tánh Linh) làm hơn 60 nhà bị ngập sâu. Đoạn đường sắt Bắc - Nam tại ga Gia Huynh cũng ngập.
Các hồ Sông Quao, Cà Giây, Núi Đất, Lòng Sông nước đầy ắp. Để bảo đảm an toàn, sáng qua, hồ Lòng Sông đã phải xả lũ xuống hạ lưu, khiến 4 xã Phú Lạc, Phong Phú, Phước Thể và thị trấn Liên Hương (huyện Tuy Phong) bị ngập lụt.
Chiều qua, UBND huyện Tuy Phong đã đóng 6 cửa xả tràn đập Lòng Sông nhằm huy động lực lượng cứu hộ sơ tán 35 người dân của xã Phú Lạc và Phong Phú bị mắc kẹt ra khỏi vùng lũ.
Tuy nhiên, trước đó, lũ đã cuốn trôi em Trần Thị Kẽm, 16 tuổi. Ngoài ra, 15 tàu đang neo đậu tại cửa sông Liên Hương (huyện Tuy Phong) đã bị nước lũ cuốn trôi, trong đó có 7 chiếc chưa tìm thấy.
Nước lũ gây ngập đường ở huyện Tuy Phong. Ảnh: Báo Bình Thuận. |
Tại Đồng Nai, khoảng 600 hộ dân thuộc các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất và thị xã Long Khánh bị ngập, có nơi ngập sâu đến 2 m. Nhiều tuyến giao thông như quốc lộ 51, đường 769 đã chìm trong biển nước khiến giao thông ngừng trệ.
Tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, mưa lớn cũng đã gây ngập nhiều khu dân cư. Lũ sông Cái tại Nha Trang (Khánh Hòa) đã vượt báo động 3, đẩy 7 tàu đánh cá của ngư dân ra biển.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong 48 giờ tới, dải hội tụ nhiệt đới gây mưa sẽ hoạt động mạnh và dịch lên phía bắc. Vì thế, Bắc Bộ sẽ có mưa vài nơi. Trung Bộ và Nam Bộ có mưa to, rải rác có dông.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã có công điện yêu cầu các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Hồng Khánh