Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) ngày 20/8 cho biết hai trạm giám sát phóng xạ của họ đặt tại các thành phố Kirov và Dubna ở tây nam nước Nga đã ngừng truyền dữ liệu trong hai ngày kể từ sau vụ nổ.
"Theo quy trình toàn cầu thông thường, CTBTO đã liên hệ với ban điều hành hai trạm này ngay sau sự cố. Họ cho biết đã gặp phải các vấn đề về liên lạc và kết nối mạng. Chúng tôi đang chờ thêm thông tin về thời điểm các trạm và hệ thống liên lạc của họ khôi phục hoạt động bình thường", phát ngôn viên của CTBTO nói.
Theo một quan chức cấp cao khác của CTBTO, hai trạm giám sát hạt nhân khác bố trí ở Bilibino, miền đông Nga và Zalesovo, phía nam nước này, cũng đã ngừng truyền dữ liệu từ ngày 13/8.
CTBTO là một cơ quan độc lập chuyên theo dõi các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân vi phạm hiệp ước, với hơn 300 trạm giám sát trên toàn thế giới. Cả Nga và Mỹ đều là thành viên của hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện.
Người dân vùng Arkhangelsk phía bắc nước Nga chứng kiến một vụ nổ dữ dội ở ngoài khơi căn cứ quân sự tại khu vực. Nồng độ phóng xạ tại thành phố Severodvinsk gần đó tăng 4-16 lần sau vụ nổ, theo Cơ quan Dự báo Thời tiết Nga (Rosgidromet).
Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga (Rosatom) hôm 10/8 thừa nhận vụ nổ xảy ra trong một cuộc thử nghiệm "nguồn năng lượng đồng vị hạt nhân" khiến 5 kỹ sư hạt nhân thiệt mạng và ba người bị thương. Giám đốc Rosatom Alexei Likhachev hai ngày sau đó cho biết động cơ tên lửa của nước này phát nổ khi thử nghiệm loại vũ khí mới ngoài khơi thành phố Arkhangelsk.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Washington tin rằng vụ nổ có liên quan đến chương trình tên lửa hành trình trang bị động cơ hạt nhân Burevestnik mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố năm ngoái. Theo quan chức này, vụ nổ có thể thể hiện sự thụt lùi đáng kể trong chương trình tên lửa Nga.
Nguyễn Hoàng (Theo CNN)