Đỉnh cao của giá dầu Brent là 117 USD/thùng trong tháng 8. Có thể kể ra nhiều nguyên nhân làm cho giá dầu tăng như vậy. Đó là bức tranh kinh tế tổng thể không lạc quan của Mỹ, thậm chí là cả Trung Quốc, châu Âu khiến các ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp để thúc đẩy tăng trưởng và như thế nhu cầu về dầu tăng; là sự căng thẳng về các cuộc xung đột đã và có thể xảy ra ở Syria, Lybia, Israel, Iran.
Nhưng một số chuyên gia đã điểm 4 nguyên nhân có thể làm giá dầu ổn định trở lại
Lý do thứ nhất là giá dầu tăng những ngày qua vì các nguyên nhân nhất thời, không phải do nguồn cung thiếu hụt. Giới phân tích nhất trí với nhau về nhận định gần đây của Commerzbank trong đó chỉ ra rằng một nguyên nhân quyết định đứng sau sự tăng giá dầu Brent trong tương lai là do sự sụt giảm sản lượng tại các giàn khoan dầu ở Biển Bắc (vì phải ngừng khai thác phục vụ hoạt động bảo trì định kỳ theo mùa). Điều này đóng phần quan trọng vì dầu mỏ sản xuất tại Biển Bắc là thứ các nhà sản xuất dầu mỏ dùng để định giá cho hầu hết các sản phẩm dầu mỏ trên thế giới. Các chương trình bảo trì giàn khoan dầu ở Biển Bắc là nhất thời nên một khi sản lượng dầu ở đây được cung cấp trở lại thì việc tăng giá trong ngắn ngày sẽ bị loại bỏ.
Lý do thứ hai là sự quá mù quáng khi một bản báo cáo mang tính phân tích về tài chính dầu khí gần đây cho thấy một số lượng đáng kể các nhà quản lý tiền bạc đã bị quá mù quáng tin rằng giá dầu sẽ còn tăng cao trong tương lai gần. Bên cạnh đó, các nguy cơ về những yếu tố mạo hiểm có thể làm cho giá dầu tăng như sự bất ổn chính trị, sự gián đoạn đột ngột nguồn cung cấp dầu mỏ đã được trù tính vào giá bán dầu.
Thị trường dầu mỏ đang hoạt động như thể Israel và Iran đã chắc chắn trong tình trạng chiến tranh dù rằng thực tế không phải như vậy và không ai chắc là cuộc chiến này có thể bùng nổ thời gian tới.
Cùng với đó, khối các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC vẫn đang duy trì sản lượng dầu khai thác ở mức cao trong khi giá dầu ở châu Âu gần mức kỷ lục do đó sẽ phải có sự quay trở lại của giá dầu nếu không sẽ đe doạ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sử dụng dầu mỏ.
Lý do thứ ba là Mỹ có thể tung ra lượng dầu dự trữ. Nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chính quyền của tổng thống Obama tung ra lượng dầu dự trữ đặc biệt khi họ cố gắng làm cho người tiêu dùng Mỹ thấy thoải mái trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ quan trọng trong năm nay. Thậm chí những trông đợi về một sự đưa ra dầu dự trữ còn cho rằng điều đó sẽ làm cho giá dầu điều chỉnh mạnh, nhất là khi xem xét đến thị trường đã mù quáng tham gia đẩy giá dầu lên cao.
Lý do thứ tư là ảnh hưởng của siêu bão Isaac không tàn khốc như dự báo. Cơn bão Isaac đang hoành hành ở Bắc Mỹ và nước Mỹ đã khiến cho nhiều giếng dầu ngoài biển thuộc vùng vịnh Mexico đang khai thác phải tạm ngừng hoạt động và điều đó có thể làm cho nguồn cung cấp dầu hạn chế, góp phần đẩy giá dầu lên cao. Nhưng theo các phân tích của chuyên gia dầu mỏ thì sự ảnh hưởng của cơn bão Isaac (sẽ có) chỉ tồn tại với giá dầu trong thời gian ngắn, không kéo dài.
Theo những nhận định trên, giá dầu thô Brent trong tương lai sẽ được kiềm chế trong khoảng 110 USD/thùng hoặc thấp hơn vào cuối năm 2012 vì khi đó các nguyên nhân khiến giá dầu tăng thời gian qua đã giảm bớt và yếu đi. Saxo Bank ước tính giá dầu sẽ quanh mức 105-110 USD/thùng vào cuối 2012.
Tuy nhiên vẫn có các phân tích đưa ra dự báo ngược lại, Goldman Sachs cho rằng nhu cầu về dầu tăng vượt quá sản lượng dầu mỏ làm ra (nhất là khi xảy ra bất ổn tại Syria, Israel và Iran) khiến cho giá dầu Brent lên tới 120 USD/thùng trong 3 tháng tới và đạt 127,50 USD/thùng trong sáu tháng tới tính từ thời điểm hiện nay.
Giá dầu thô đang ở mức thấp nhất trong gần 2 tuần. Giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore cũng giảm liên tục từ ngày 13/8 đến nay. Theo dữ liệu của Bloomberg, giá xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore liên tục giảm kể từ ngày 13/8 đến nay. Theo đó, sau khi leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng ở 128,4 USD, giá xăng A92 tại thị trường này đi xuống dần và giảm còn 125,34 USD tính đến ngày 27/8.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp