Mộc nhĩ có tác dụng tốt cho khí huyết. Ảnh Moh. |
Canh mộc nhĩ nấu đường đỏ
Mộc nhĩ 20 g, đường đỏ 40 g, nước đủ dùng. Mộc nhĩ ngâm cho nở rồi rửa sạch, thái nhỏ. Cho mộc nhĩ, đường đỏ vào nồi, đổ nước, đun 20 phút là dùng được, ăn cả nước và cái, liên tục trong vòng 7 ngày, mỗi ngày 1 lần.
Mộc nhĩ có tác dụng hoạt huyết, chữa các bệnh khí hư, tăng huyết áp... Đường đỏ bổ huyết hoạt huyết, chữa các bệnh đau bụng sau sinh, thống kinh, bế kinh.
Canh thịt lợn nấu ngó sen
Thịt nạc thăn 200 g, ngón sen 300 g, nước, gia vị đủ dùng. Thịt lợn, ngó sen rửa sạch, thái miếng. Phi thơm hành mỡ rồi đổ thịt nạc vào xào qua, sau đó cho ngó sen vào rồi đổ nước sâm sấp đun chín nhừ, nêm gia vị, ăn ngày một lần, liên tục trong vòng 1 tuần. Món canh này có tác dụng cầm máu, bổ huyết, phù hợp cho những người hành kinh dài ngày.
Canh thịt dê nấu với câu kỷ tử, đương quy
Thịt dê 200 g; câu kỷ tử, đương quy mỗi thứ 20 g; gia vị, nước đủ dùng. Thịt dê rửa sạch, thái miếng, câu kỷ tử, đương quy rửa sạch.
Cho cả 3 thứ trên vào nồi nấu chín nhừ, nêm gia vị, ăn cả nước lẫn cái, liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày một lần. Món canh này có tác dụng điều kinh, chữa kinh nguyệt không đều.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)