Dưới đây là ba lưu ý được chia sẻ từ những phụ huynh, giáo viên đã trải qua kỳ thi chuyển cấp cùng sĩ tử 2004.
Tạo động lực không tạo áp lực
Trong giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, sự quan tâm đúng cách từ gia đình sẽ giúp học sinh giảm bớt áp lực. Việc tạo động lực cho con có thể bắt đầu từ cách hỏi han, chia sẻ việc học, giúp con xây dựng kế hoạch học tập.
Chị Hoàng Thị Hoà (phụ huynh em Lưu Đức Tài, thủ khoa vào 10 Nghệ An năm 2019 với điểm số 47) chia sẻ, cha mẹ không nên ép con học theo ý mình mà nên để con tự chọn cách học riêng. Chương trình trên lớp, trên trường của con khá nhiều nên việc ép buộc chỉ gây thêm mệt mỏi.

Chị Hòa và em Lưu Đức Tài chia sẻ về quá trình học năm cuối cấp.
Tìm phương thức học phù hợp
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng, giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn cho biết phần lớn học sinh THCS lựa chọn lớp học dưới sự tác động của phụ huynh và giáo viên trên trường. Các em ít khi tìm hiểu để lựa chọn được hình thức, chương trình phù hợp. Để giảm áp lực cho con, phụ huynh nên hướng dẫn, khuyến khích con tự học, thúc đẩy tinh thần tự giác của con. Cha mẹ nên là người đưa ra các lựa chọn, gợi ý, tôn trọng các quyết định của con chứ không nên bắt ép, đặc biệt là thời gian, hình thức học.
Chị Hoàng Thị Hòa cũng chia sẻ, với khối lượng công việc của một giáo viên tiểu học, chị không có thời gian để thúc giục, kèm cặp Tài học mà chỉ định hướng và khuyến khích con tự giác. Tài đã chủ động sắp xếp thời gian học trên lớp, tìm hiểu thêm các hình thức học khác, thậm chí cháu còn chủ động lên kế hoạch và thời gian biểu trong từng giai đoạn.
Cùng quan điểm, chị Thu Hà (mẹ em Nguyễn Trung Thành - học sinh lớp 9 tại Hà Nội, đỗ cùng lúc trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên và trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội năm 2019) chia sẻ quan trọng nhất là con tự giác, tự học. Khi tự giác con sẽ tự tìm hiểu và lựa chọn cho mình phương pháp, hình thức học phù hợp. Cha mẹ chỉ nên động viên, theo sát việc học của con, không nên bắt ép.
Cùng con lên kế hoạch và mục tiêu cho năm học
Phụ huynh nên cùng con tìm hiểu trường mong muốn học, điểm chuẩn, các môn thi. Đưa ra mục tiêu phù hợp và có thể điều chỉnh theo thời điểm, con sẽ không bị quá sức, thậm chí sẽ hình thành tính chủ động, tự giác, khơi dậy sự hứng thú của con trong học tập và có đích hướng tới, quyết tâm theo đuổi mục tiêu.
Với Lưu Đức Tài, việc lập kế hoạch học tập và xây dựng thời gian biểu đã giúp em cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi, đặc biệt là cân đối giữa việc học ở trường và việc tự học ở nhà; vừa đảm bảo theo sát chương trình học ở trường, lớp vừa thực hiện được mục tiêu bản thân đã đề ra. Chị Hoà chia sẻ, thấy con có lịch học nhiều, đi lại vất vả, chị đã trao đổi với con để giãn bớt và thay vào đó là hình thức học trực tuyến, học cùng bạn ở nhà.

Thầy Hưng trao học bổng khuyến học cho thủ khoa Lưu Đức Tài.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng, giáo viên của Hệ thống giáo dục Hocmai.vn cho rằng việc cùng con lên kế hoạch và mục tiêu cho năm cuối cấp là việc rất quan trọng, cần sự khéo léo của cha mẹ. Cha mẹ không nên đưa ra mục tiêu quá cao rồi ép con học quá sức cũng như không nên đưa mục tiêu quá thấp khiến con thiếu động lực học tập.
Để có mục tiêu phù hợp, phụ huynh có thể trao đổi với con, với giáo viên chủ nhiệm để biết năng lực sức với của con và cùng con đưa ra đích hướng tới. Mục tiêu cũng cần được theo sát và có thể điều chỉnh theo từng giai đoạn của năm cuối cấp. Đồng thời, tham gia vào việc lên kế hoạch, thời gian biểu của học sinh giúp cha mẹ đảm bảo sức khỏe, sự tâm trung và sự tiến bộ của con.
Thế Đan