Trong căn nhà bằng gỗ pơ mu khang trang, ông chủ hộ tuổi đã gần 90 nhưng còn khá nhanh nhẹn và tinh tường. Ngôi nhà của ông được chia thành gần 20 gian nhỏ.
Khoát một vòng tay quanh nhà, ông kể: "Hồi trước, gỗ ở đây còn rất nhiều, nhưng để có được ngôi nhà này, tôi và các con đã phải làm quần quật suốt 10 năm trời. Hôm khánh thành, cả bản đến chia vui, tất cả cùng ngồi trong nhà uống rượu mà vẫn đủ chỗ. Đây là buồng của anh con trai thứ ba, buồng kia của vợ chồng thằng út, gian cuối cùng là của đứa cháu mới cưới...".
Chỉ vào 2 cái chảo gang để trên bếp lò to như nồi cơm quân dụng của một đơn vị bộ đội, ông Hử cười: Nhà đông người nên phải dùng bếp lớn".
Một góc đại gia đình nhà ông Hờ Vàng Hử. Ảnh: Nông thôn Ngày nay. |
Kể chuyện đời mình, ông Hử chậm rãi: Cha mẹ ông sinh hạ được có một con, nên ít khi ông bị đói. Mãi đến năm 20 tuổi, ông mới đi "bắt vợ". So với các chàng trai Mông ngày đó, ông thuộc diện lấy vợ muộn. Sau nhiều năm chung sống, ông bà sinh hạ được 7 người con trai. Các con lớn lên trong sự quan tâm chăm sóc và dạy dỗ, nên anh nào cũng ngoan ngoãn.
Tuy nhiên, trước đây, người Mông có tục trả lễ cho nhà gái bằng bạc trắng nên ông bà và các con luôn phải lao động cật lực để sinh nhai cũng như chuẩn bị đủ tiền lấy vợ. "Ngày trước muốn có một cô con dâu, phải trả cho nhà gái 50 đồng bạc trắng" - ông nhớ lại.
Trước những năm 1990, khắp các nương, rẫy của Chế Cu Nha bạt ngàn cây anh túc (thuốc phiện). Ngày đó, gia đình ông cũng trồng và hút thuốc phiện như bao gia đình người Mông khác. Nhưng đến năm 1992, khi Nhà nước có chủ trương xoá bỏ cây thuốc phiện, ông Hử là một trong những người dân đầu tiên trong xã hưởng ứng chính sách này và tự mình cai nghiện. Noi gương bố nên mấy người con trai của ông cũng chí thú làm ăn và không ai mắc nghiện.
Bữa cơm gia đình. Ảnh: Nông thôn Ngày nay.. |
Thế nhưng, để xây dựng một đại gia đình có tới 16 cặp vợ chồng, và đến nay tổng cộng gần 100 con người gồm con, cháu, chắt cùng chung sống hòa thuận trong một mái nhà thì cần đến những bí quyết khác.
Từ việc đối nhân xử thế, tinh thần lao động, đến việc chăm sóc con cái, ông bà đều thực hiện công bằng và phân minh. Ông Hử cho biết: "Gia đình tôi có mấy khu trang trại hiện giao cho con cái trông nom. Tất cả việc nương rẫy, chăn nuôi, kế hoạch sản xuất đến sinh hoạt hàng ngày đều được sắp xếp theo trật tự nhất định".
Chẳng hạn, nhà anh hai trông nương ở phía đông, nhà anh ba trông phía tây, anh tư cai quản trang trại ở gần nhà. Chị dâu cả quán xuyến việc bếp núc và sinh hoạt của cả nhà. Mỗi gia đình nhỏ đều phải có một người đứng đầu tự bảo ban nhau và chịu trách nhiệm trước ông.
"Phân công rõ ràng như vậy để quản lý cho dễ, chứ không có ý cao thấp. Mọi người trong nhà đều có trách nhiệm giúp đỡ bảo ban nhau" - ông Hử giải thích.
Với cách "quản lý" gia đình khá khoa học như vậy, nên rất ít khi đại gia đình này xảy ra mâu thuẫn. Ông cho biết: "Tuy đều là con cháu mình cả nhưng mỗi đứa mỗi tính, chẳng ai giống ai. Bởi vậy, phải tùy người mà răn dạy và giao việc, nhưng phải luôn đảm bảo công bằng. Trong gia đình, con dâu, cháu dâu mới về, tôi đều coi như con đẻ của mình và đều có bổn phận như nhau".
Phương châm hành xử của ông là sai đâu bảo đó. Và các con, cháu, nếu thấy ông có điều gì chưa phải, chưa đúng thì gặp ông để trao đổi lại.
Cháu nội ông, con của người con trai thứ 3, Hờ A Hú hiện là Bí thư Đoàn xã, kể: "Vui nhất là những ngày Tết và lễ cơm mới. Khi ấy, cả nhà chuẩn bị đến 5 mâm dài cùng nhau quây quần quanh ông nội. Bọn trẻ chúng tôi thổi khèn và hát, các bà, các mẹ cũng uống rượu".
Cả xã toàn là người Mông nhưng chỉ duy nhất nhà ông Hử tạo lập được một gia đình đông người có nề nếp, trật tự và văn hóa như vậy. Ngay cả trong họ của ông Hử cũng không có gia đình nào có nhiều cặp vợ chồng, nhiều thế hệ chung sống với nhau như thế.
(Theo Nông thôn Ngày nay)