Theo ông Hiển, từ kết quả đánh giá, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để tiếp tục hoàn thiện chương trình, SGK (lớp 1 đến lớp 11 và thí điểm phân ban lớp 12) nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục phổ thông.
Nội dung, ý kiến đánh giá cần ghi rõ ưu điểm, hạn chế và đề xuất hoàn thiện chương trình, chỉnh lý SGK. Trong đó, cần ghi rõ lý do của những phần cần bổ sung, điều chỉnh hoặc cắt bỏ về nội dung, hình thức trình bày...
Ngày 15/4 sẽ có kết quả rà soát chương trình, SGK trên toàn quốc. Ảnh: H.H. |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, việc đánh giá phải khách quan, khoa học, chính xác trên cơ sở nghiên cứu toàn diện nội dung chương trình, SGK và từ thực tiễn giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh các vùng miền. "Ý kiến đánh giá phải toàn diện, cụ thể, tránh đưa ra những nhận định ưu khuyết điểm, khen chê chung chung khó tiếp thu, thiếu căn cứ", ông Hiển yêu cầu.
Bên cạnh việc các Sở, Phòng Giáo dục tổ chức Hội thảo về chương trình và SGK, các trường cũng sẽ lấy ý kiến của tất cả giáo viên và phụ huynh học sinh về các môn học.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở lập kế hoạch tổ chức thực hiện đánh giá chương trình, SGK và gửi về Bộ trước ngày 20/3. Sau khi tiến hành đánh giá, các Sở sẽ phải báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 15/4.
Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc hiện chỉ có một bộ sách giáo khoa là không phù hợp với học sinh ở tất cả các vùng miền.
Còn Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận, do 80% người biên soạn sách, ở thời điểm biên soạn, không dạy phổ thông nên có thể có nội dung không phù hợp.
Tiến Dũng