Ngày 2/4, Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, với sự góp mặt của 5 Bộ, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội khuyến học cùng đại diện 64 tỉnh, thành trên cả nước.
Theo quyết định của Chính phủ, đề án này nhằm xóa bỏ phòng học 3 ca, phòng học tạm thời bằng tranh tre, nứa lá và giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…
Một trong số gần 3.000 phòng học tạm bợ ở Điện Biên cần được xây mới. Ảnh: H.V. |
Các địa phương được kiên cố hóa nhiều nhất gồm: Thanh Hóa (hơn 9.000 phòng), Nghệ An (hơn 7.600 phòng), Sơn La (hơn 5.800 phòng), Hải Dương (gần 5.500 phòng), Hà Tây (gần 4.000 phòng), Sóc Trăng (hơn 3.000 phòng)...
Trong khi TP HCM, Bình Dương không có phòng học tạm bợ thì Hà Nội vẫn còn gần 500 phòng học bán kiên cố, xuống cấp nặng và chủ yếu tập trung ở bậc mầm non (475 trường).
Giá bình quân xây dựng mỗi m2 phòng học ở đồng bằng sông Hồng là 1,8 triệu đồng, vùng Trung Bộ là 2,1 triệu đồng và đồng bằng sông Cửu Long là 2,5 triệu đồng.
Đề cập tới khó khăn của địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Thị Cúc cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 800 phòng học(hơn 600 phòng của bậc mầm non) đang phải nhờ địa điểm. Việc tính giá xây dựng theo khung của quý II năm 2007 là không hợp lý bởi hiện giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao (giá sắt tăng gần gấp đôi).
Còn Phó chủ tịch tỉnh Kom Tum Trương Thị Ngọc Ánh lại bày tỏ, trong khi địa phương này cần xây mới hơn 1.600 phòng học xuống cấp thì ngân sách được phân bổ chỉ đáp ứng hơn 1.000 phòng.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc phân bổ tiền xây dựng sẽ do địa phương quyết định, sao cho hiệu quả nhất. Địa phương nào xây dựng tiết kiệm, kinh phí thấp thì sẽ làm được nhiều trường.
Tuy nhiên, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam lại lo lắng: "Tỷ lệ phần trăm A - B hiện rất lớn. Nếu lãng phí 10% thì chúng ta mất 2.500 tỷ đồng và nếu là 30% thì số tiền lên tới hơn 7.000 tỷ đồng. Do vậy, cần phải làm vì tấm lòng đối với dân, địa phương nào làm sai cần kiên quyết nghiêm trị".
Hội nghị được tổ chức tại 5 đầu cầu với sự có mặt của nhiều Bộ, ngành và đại diện 64 tỉnh thành. Ảnh: T.D.
Băn khoăn trước việc khi thực hiện xã hội hóa giáo dục, các trường bắt học sinh đóng góp phí xây dựng,
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Đào Văn Bình đặt câu hỏi: "Nay các trường có được làm thế không?".
Năm 2002, Chính phủ cho xây 67.500 phòng học với mục tiêu hết năm 2003 xóa bỏ tình trạng học 3 ca, năm 2005 không còn lớp học tranh tre, nứa lá. Chương trình phải kéo dài đến 2007 với gần 60.000 phòng học được xây dựng cùng số vốn lên tới hơn 9.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc kiên cố hóa này lại bỏ "quên" nhà vệ sinh. |
Ngay trưa 2/4, trao đổi với VnExpress, Phó chủ tịch Đào Văn Bình cho biết, đã yêu cầu trường nào trót thu phí xây dựng phải hoàn lại khoản phí này cho học sinh.
Từ năm học 2005 - 2006, phụ huynh học sinh ở Thừa Thiên - Huế đã buộc phụ huynh nộp phí đóng góp xây dựng trường lên tới 20 tỷ đồng mỗi năm. Để sửa sai, năm 2007, địa phương này ra quyết định chấm dứt việc thu khoản lệ phí này.
Tiến Dũng