Cụ thể, trong vòng 3 tuần mở cổng nhận bài dự thi, ban tổ chức đã nhận được 136 dự án, đến từ các cá nhân, tập thể và tổ chức.
Các bài thi liên quan đến đa dạng các ngành nghề. Đó có thể là nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, trang trí, công nghiệp chế biến, du lịch và sản phẩm bổ trợ..., hay cả xây dựng, thương mại, công nghệ thông tin, y tế... Điều này cho thấy, bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể sáng tạo và áp dụng các sáng kiến xanh, giảm tác động đến môi trường để phát triển bền vững.
Theo đại diện ban tổ chức, bên cạnh chất lượng bài thi cao hơn mùa trước, điểm nổi bật là năm nay, cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo thí sinh đến từ nhiều địa phương (18 tỉnh, thành). Trong đó có cả các địa phương miền Bắc và Trung (Hà Nội, Hòa Bình, Đà Nẵng), nhiều nhất vẫn là miền Nam, cao nhất là trong tỉnh Đồng Tháp.
"Công tác triển khai được các Tỉnh, Thành Đoàn các địa phương phối hợp với Tỉnh Đoàn Đồng Tháp thực hiện tốt, góp phần lan tỏa thông tin đến rộng rãi thanh niên và người dân", đại diện ban tổ chức cho biết.
Tối nay, ban tổ chức sẽ họp để công bố danh sách 30 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng bán kết. Tại vòng bán kết (dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 10/11), tùy điều kiện địa lý, các thí sinh có thể thuyết trình về dự án trực tiếp hoặc online trước ban giám khảo, gồm các chuyên gia kinh tế, chuyên gia phát triển bền vững và đại diện Đoàn Thanh niên.
Sau đó, 10 thí sinh vượt qua vòng bán kết sẽ được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng gọi vốn để thực hiện hoạt động này trong hội nghị gọi vốn đầu tư "Pitching Day". Đồng thời, Top 10 sáng kiến cũng sẽ trưng bày sản phẩm, mô hình, tư liệu và thuyết trình trực tiếp trước hội đồng giám khảo tại vòng thi chung kết, trong khuôn khổ "Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL", tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp, diễn ra từ ngày 14 đến 16/11.
Kim Ánh