Tại Hội nghị chuyên đề về đề án quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đô thị, do UBND thành phố tổ chức sáng 28/11, ông Trần Quang Phượng cho rằng, "tầm nhìn xa" đến 2020 của quy hoạch thành phố có thể giúp thông thoáng đường sá, nhưng vài năm tới vẫn phải dựa vào các giải pháp tạm thời như đang thực hiện. Đó là bố trí lệch ca, lệch giờ; làm thông thoáng lòng lề đường; một chiều hóa các tuyến đường thường ùn tắc; chấn chỉnh hoạt động xe buýt; đẩy nhanh tiến độ công trình "rùa". TP HCM cũng tăng xử phạt vi phạm, lập ban chỉ huy thường trực phòng chống tai nạn và ùn tắc giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.
Trong vòng 3 năm tới, TP HCM dự kiến triển khai hơn 100 dự án phát triển hạ tầng giao thông, với tổng vốn đầu tư khoảng 127.000 tỷ đồng, tương đương gần 8 tỷ USD. Đề án quy hoạch giao thông thành phố đến năm 2020 một mặt cấp tốc xây thêm các đường cao tốc, mặc khác di dời toàn bộ trường đại học, nhà xưởng, bệnh viện ra ngoại thành...
Khó khăn lớn nhất hiện nay, theo ông Phượng, là ngân sách thành phố hằng năm chỉ đảm bảo đầu tư cho giao thông khoảng 5.000 tỷ đồng, tương ứng 12% nhu cầu. 88% còn lại phải huy động từ nhiều nguồn, kể cả phát hành trái phiếu.
Trước mắt, những giải pháp cấp bách mà TP HCM đang áp dụng vẫn cực kỳ cần thiết cho việc chống ùn tắc giao thông trong 10 năm tới. "Với những giải pháp tạm này, vài năm tới tình hình ùn tắc có thể giảm đi chút ít chứ không thể hết hoàn toàn", ông Phượng khẳng định.
![]() |
Tình trạng kẹt xe tại TP HCM sẽ được giải quyết vào năm 2020. Ảnh: Kiên Cường. |
Trong khi đó, nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân đánh giá, đề án quy hoạch giao thông đến 2020 nghe có vẻ khả thi, nhưng nếu thành phố không mạnh tay thực hiện thì "còn lâu mới đòi lại được sự thông thoáng đường phố".
Đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa khẳng định: "Nếu không làm quyết liệt thì ùn tắc giao thông trong thành phố sẽ thành thảm họa, và đó là trách nhiệm của mọi người chứ không riêng gì chính quyền".
Theo ông Khoa, những nội dung của đề án quy hoạch giao thông trong 13 năm tới không có gì mới. Điều kiện cần nhất là phải có một cuộc cách mạng cải cách các rào cản cơ chế thật mạnh mới có thể chống ùn tắc thành công và đúng tiến độ vào năm 2020. Nếu không, lại rất dễ dẫn đến tình trạng ì ạch 12 năm không có kết quả.
Ông Nguyễn Thanh Chính, Trưởng Ban pháp chế HĐND, cho rằng, các biện pháp hạn chế ùn tắc hiện nay cũng có những điểm chưa hợp lý. Ví dụ như quy định người lao động vi phạm luật giao thông 2 lần thì không xét thi đua, gửi người vi phạm về địa phương giáo dục... "Vậy ai sẽ đứng ra giáo dục?", ông băn khoăn.
Ông Chính đề xuất nên miễn phí vé cho khách đi xe trước 6h30 mỗi ngày để khuyến khích người dân dùng xe buýt. Và ông dẫn chứng vui rằng, nếu phương án cho phép ôtô lưu thông ngày chẵn lẻ theo biển số được duyệt, có lẽ mỗi gia đình phải mua 2 chiếc xe hơi dùng thay đổi. Phương án này cũng không giải quyết được vấn đề.
Đại biểu Đặng Văn Dũng cho rằng ùn tắc giao thông tại Việt Nam, nguyên nhân chính là do tình trạng nhập cư. Do đó TP HCM nên kiến nghị trung ương có chính sách hạn chế nhập cư chứ không nên thoáng như hiện nay. Nếu không sẽ dẫn đến quá tải, lúc đó mọi đề án chống ùn tắc giao thông đều vô nghĩa.
Theo thống kê mới nhất, sau 20 năm, dân số thành phố đã tăng gần gấp đôi, từ 3,7 triệu người năm 1985 lên 6,42 triệu người, tính đến năm 2006. Chưa kể có khoảng 2 triệu người nhập cư khác không kê khai.
Nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân phản đối phương án đề xuất thu phí lưu hành xe cá nhân. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh, TP HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu đề án bố trí lệch ca lệch giờ, dẹp lòng lề đường... Thậm chí trong thời gian tới sẽ bàn đến đề án giảm bớt phương tiện cá nhân.
Đề án Quy hoạch giao thông TP HCM đến 2020 - Di dời các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ra khỏi nội thành, không xây dựng mới hoặc phát triển mở rộng.- Phát triển các khu đô thị vệ tinh như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị công nghệ cao Đông Bắc thành phố. - Điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia kết thúc tại ga ngoại vi thành phố. Bỏ quy hoạch xây dựng đoạn tuyến đường sắt quốc gia đi qua nội đô thành phố. - Khẩn trương tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chậm nhất vào năm 2010 để đến năm 2015 đưa vào sử dụng. - Trong giai đoạn ngắn hạn (2008-2010), hệ thống xe buýt là phương tiện vận chuyển hành khách công cộng chủ lực. Trong giai đoạn trung và dài hạn (2011-2015-2020) khi mạng đường sắt đô thị bắt đầu hình thành, xe buýt sẽ chuyển dần từ vai trò vận chuyển chủ lực sang vận chuyển thu gom và đảm nhận 12-14% nhu cầu đi lại. - Phát triển 7 đường cao tốc: TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Tuy Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Thủ Dầu Một, TP HCM - Mộc Bài, cao tốc liên vùng phía Nam, cao tốc TP HCM - phía Tây. - Hoàn thành các đường vành đai 1, 2, 3, 4. Bốn đường trên cao. Cải tạo 80 nút giao thông khác mức, 33 nút giao thông đồng mức. Xây dựng 29 cầu và 2 hầm vượt sông. Xây dựng 1.200 ha bến bãi đỗ xe với 8 bãi đậu xe ngầm. |
Kiên Cường