Sáng 14/7, nhiều lãnh đạo UBND Hà Nội và lãnh đạo các Sở đã trả lời chất vấn đại biểu HĐND về những vấn đề bức xúc của thủ đô. Trong đó, tân Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận được nhiều câu hỏi nhất từ phía các đại biểu xoay quanh chủ đề thiếu trường mầm non ở Hà Nội, gây bức xúc cho người dân.
Theo bà Ngọc, mỗi xã phường hoặc khu đô thị (8.000-10.000 dân) phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường THCS công lập. Tuy nhiên, nhiều khu vực có mật độ dân số cao như ở quận Ba Đình, quận Đống Đa chưa đủ số trường công lập. Thậm chí, có những phường ở nội thành chưa có trường mầm non nào. Ngoài ra, bình quân số học sinh trong lớp mầm non nhiều nơi trên 50, có nơi trên 60.
![]() |
Tân Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời chất vấn sáng 14/7. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
"Dân cư cơ học tăng quá nhanh. Tại một số quận, một số khu đô thị mới, trong vòng 3-5 năm qua, dân số có nơi tăng gấp đôi hoặc hơn, dẫn đến quá tải", nữ Phó chủ tịch lý giải.
Cũng theo bà Ngọc, do chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và mức thu học phí chênh lệch giữa công lập và ngoài công lập dẫn đến việc phụ huynh chọn trường công lập. Hiện, mức thu học phí hàng tháng của trường mầm non công lập mẫu giáo chỉ 50.000 đồng mỗi cháu, nhà trẻ là 70.000 đồng. Trong khi đó, học phí các trường dân lập, tư thục thu theo thỏa thuận nên rất cao, từ vài trăm nghìn đồng cho tới trên một triệu đồng mỗi tháng...
Tuy chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân, song bà Ngọc khẳng định, hiện 100% học sinh mầm non có nhu cầu học tập đều có chỗ học, trong đó 85,5% học trường công lập.
Chưa thỏa mãn với giải trình của Phó chủ tịch UBND, nhiều đại biểu đã chất vấn. Ông Bùi Đức Hiếu đặt câu hỏi bao giờ mới có đủ trường mầm non ở 21 khu đô thị mới khi hiện nay mới có 13 trường? Nữ đại biểu Nguyễn Mai Sương lại muốn làm rõ trách nhiệm của thành phố lúc nhận bàn giao khu đô thị mới từ các nhà đầu tư khi chưa hoàn thiện nhà trẻ, mẫu giáo, các công trình phúc lợi như thế nào.
"Tiếp xúc cử tri ở huyện Đông Anh, nữ công nhân rất bức xúc vì không có nhà trẻ ở khu công nghiệp để gửi con, trong khi đồng lương thấp. Thành phố có chỉ đạo gì về việc này khi xây dựng nhà ở cho công nhân?", bà Sương trăn trở.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thuỳ nêu thực trạng báo động khi có trường bình quân số trẻ lên tới 62-67 mỗi lớp, cá biệt có lớp trên 70 cháu. "Làm sao để nuôi dạy trẻ khi đông như thế?", bà trăn trở. Đại biểu Đỗ Trung Hai chất vấn về mức thu học phí quá chênh lệch hiện nay giữa mầm non công lập và tư thục: "Những nơi không có trường công, các gia đình lại không đủ điều kiện cho con học trường tư thì giải quyết như thế nào?"...
Tiếp nhận loạt câu hỏi một cách điềm tĩnh, tân Phó chủ tịch Hà Nội đã lần lượt giải đáp. Theo bà, Chính phủ có nghị định yêu cầu trường công lập tiếp nhận 80% số trẻ học mầm non trên địa bàn. Nhưng ở Hà Nội, do sự quan tâm của thành phố và nhờ điều kiện phát triển kinh tế xã hội nên đã đảm bảo cho trên 85% học sinh học công lập. "Thành phố đã xin phép Bộ GD&ĐT chuyển 507 trường dân lập thành công lập. Đây là sự ưu ái đúng mức đối với bậc học giáo dục mầm non", bà Ngọc nói.
Đối với khoảng 15% số học sinh còn lại, bà Ngọc cho rằng nên theo hình thức xã hội hóa để người dân có điều kiện lựa chọn loại hình trường lớp phù hợp với con em mình.
Đối với khu đô thị mới, bà Ngọc cho hay, các trường mầm non ở đây đang xây dựng, trong thời gian tới sẽ phủ hết 21 khu này. Về học phí chênh lệch giữa trường công trường tư, Phó chủ tịch thành phố lý giải nguyên nhân là quy định của Luật giáo dục, học phí công lập do HĐND thành phố quyết định còn dân lập là theo thoả thuận với phụ huynh.
"Hiện nay các cấp học ở Hà Nội áp dụng mức thu học phí thấp nhất theo quy định cho phép. Với các trường tư, chúng tôi sẽ có trách nhiệm kiểm tra chất lượng dạy và học", bà Ngọc nói.
Nữ Phó chủ tịch cũng chia sẻ khó khăn với công nhân lao động tại khu công nghiệp. "Hiện nay có 110.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp, nhiều công nhân lập gia đình và không có nơi giữ trẻ. Chúng tôi đã nắm bắt được thực trạng, thành phố vừa qua đã có chủ trương về vấn đề này", bà Ngọc chia sẻ.
Trao đổi thêm về chủ đề này, Phó chủ tịch Hà Nội cho biết, một giải pháp để tăng diện tích lớp học cho trẻ mầm non trong thời gian tới là nâng tầng các trường ở nội thành. Có trường sẽ được nâng từ 2 lên 4 tầng, chuyển toàn bộ phòng giáo viên lên các tầng cao để trẻ được học tầng thấp. Khi duyệt dự án khu đô thị mới sẽ kiểm tra, siết chặt quy định diện tích xây dựng trường học...
Chủ tịch HĐND Ngô Thị Doãn Thanh hoan nghênh sự tự tin cũng như việc nắm bắt tốt vấn đề của tân Phó chủ tịch UBND thành phố. Theo bà Thanh, trường học mầm non là vấn đề nóng ở nghị trường HĐND từ 2 năm trước khi hàng trăm phụ huynh phải thức trắng đêm giành suất học cho con. Hiện, khá nhiều vấn đề đã được UBND giải quyết song vẫn còn nhiều thách thức.
Trong đó, có 3 vấn đề cần quan tâm là mạng lưới trường, dự báo tăng dân số ở các phường và xem xét việc tăng số trường mầm non tại khu vực mật độ dân số cao. UBND thành phố cần xem lại chuẩn dân số khi nhiều phường ở Hà Nội đã có số dân vượt 20.000 chứ không chỉ 10.000 như trước nữa.
![]() |
Bà Ngô Thị Doãn Thanh: "Lòng tin của người dân vào trường công là điều đáng mừng nhưng cũng là thách thức" Ảnh: Nguyễn Hưng. |
"Mười năm qua, cả chục tòa nhà cao tầng mọc lên ở phường Láng Hạ nhưng chỉ xây thêm được một trường mầm non Tuổi Hoa và một trường Tiểu học Nam Thành Công, khiến sức ép cho các trường rất lớn", bà Thanh nêu dẫn chứng.
Cũng theo Chủ tịch HĐND thành phố, người dân tin tưởng ở các trường mầm non công lập do cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư, chất lượng giáo viên bài bản, mức học phí được khống chế. "Lòng tin của người dân vào trường công là điều đáng mừng nhưng cũng là thách thức khi liệu có đáp ứng hết lòng tin ấy", bà Thanh nói.
Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo HĐND các cấp đưa nội dung xây dựng đủ trường vào chương trình hoạt động, xây mới và thay thế hơn 2.000 phòng học, cân đối đủ kinh phí thực hiện...
Trong phiên chất vấn sáng 14/7, hai phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Văn Khôi và tân Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cũng có những giải trình về xử lý các dự án treo; hầm, cầu đi bộ và sự xuống cấp của các công trình kỷ niệm đại lễ 1000 Thăng Long.
Ngày mai, kỳ họp HĐND Hà Nội bế mạc.
Nguyễn Hưng