Thực ra cái "tốt" tùy thuộc và yêu cầu và quan niệm của từng người. Những câu trả lời dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo khi bạn còn cân nhắc trước định dạng TV độ phân giải cao này.
TV "tốt nhất" chỉ có ý nghĩa tương đối. Ảnh: Engadget. |
1. LCD và Plasma: loại nào tốt hơn?
Hiện tại công nghệ Plasma vẫn đang chiếm ưu thế, do Plasma có các điểm tự phát sáng nên độ tương phản (contrast), độ sáng (brightness) cao và có góc nhìn rộng. Tốc độ đáp ứng sự thay đổi của hình ảnh, ánh sáng nhanh nhưng khá nặng và tiêu thụ năng lượng cao. Đặc điểm của LCD là các điểm được chiếu sáng từ sau nên độ tương phản và độ sáng thấp, góc nhìn hẹp hơn và tốc độ phản ứng chậm nên hiển thị hình chuyển động nhanh bị nhoè. Tuy nhiên, gần đây công nghệ Local Dimming đã giúp LCD thu hẹp khoảng cách đáng kể với Plasma.
Một chi tiết đáng chú ý, đối với TV 42 inch trở xuống cùng kích thước, TV LCD cho độ phân giải cao hơn (1,366 x 768 pixel), so với Plasma (1,024 x 768 pixel).
2. HDTV nào là tốt nhất?
Từ tốt nhất chỉ có ý nghĩa tương đối và tùy thuộc vào yêu cầu của từng người. Do vậy, tốt hơn bạn nên tìm TV nào phù hợp nhất với mình để cân đối giữa 3 yếu tố: mẫu mã, chất lượng và giá thành, xem thứ nào bạn coi trọng hơn. Nếu tiền không phải là vấn đề với bạn, hãy chọn những TV đời mới nhất hỗ trợ xử lý A/V và sở hữu nhiều tính năng tân kỳ, còn không thì bạn phải chấp nhận được cái này, mất cái kia.
3. Kích thước TV thế nào là phù hợp với căn phòng của tôi?
Khoảng cách từ người xem đến TV tối thiểu phải bằng gấp 2 đến 3 lần độ dài đường chéo của màn hình. khoảng cách như vậy, bạn có một tầm nhìn đủ bao quát và đủ xa để có thể xem một cách thoải mái mà không bị khó chịu bởi hình ảnh bị bể hạt hay phải ngoái cổ theo dõi các pha hành động từ đầu này đến đầu kia.
Khoảng cách từ người xem tới TV phải bằng gấp 2 đến 3 lần dộ dài đường chéo màn hình. Ảnh: Devicepedia. |
4. Tại sao lại có đến 2 thông số về độ tương phản?
Tĩnh và động là hai anh em cùng được sinh ra đời bởi các nhà sản xuất, nhưng rất tiếc người em động lại chỉ là hình ảnh thổi phồng, không thực và chỉ mang tính quảng cáo, trong khi ông anh tĩnh mới là thực chất. Thay vì sử dụng thanh đo áp vào màn hình để kiểm tra, kỹ thuật đo độ tương phản động dựa trên nguyên lý tắt/mở hoàn toàn. Khi đo điểm đen, chỉ việc tắt hết ánh sáng, còn đo điểm trắng, thì dồn lực (điện áp) vào một điểm để đo, và tất cả được thực hiện trong một phòng tối 100% - một cách ăn gian khôn ngoan của các nhà sản xuất để cho ra những trị số cao hơn bình thường ít nhất là 25%. Nhiều hãng sản xuất thậm chí còn đang bắt đầu giấu nhẹm thông số tương phản tĩnh trong các tài liệu về sản phẩm.
Do vậy bạn nên lưu ý xem kỹ thông số tương phản (mặc định là tĩnh) hay là tương phản động (Dynamic Contrast). Ngoài ra, đây cũng chỉ nên coi như tham khảo vì việc đo độ tương phản cũng là do các hãng sản xuất tự áp đặt, chưa có tiêu chuẩn chung.
5. Đâu là sự khác biệt giữa HD-Ready và Full-HD?
Full-HD cho kết quả hiển thị ở độ phân giải chuẩn 1.920 x 1.080 pixel, trong khi HD-Ready gần như là một giải pháp đối phó tạm thời trong thời kỳ quá độ lên HD, nên nó sẽ có độ phân giải từ 1.280 x 720 pixel trở lên và thấp hơn Full-HD. Đương nhiên độ phân giải cao hơn sẽ cho hình ảnh mịn màng hơn đối với những đĩa phim và game Blu-ray, nhưng sự khác biệt chỉ thể hiện rõ trên TV lớn hơn 46 inch.
6. Phiên bản HDMI trên TV có quan trọng không?
Bạn cũng không nên lo lắng quá nếu TV của mình chỉ ghi phiên bản 1.2 thay vì 1.3, vì chúng đều hỗ trợ tốt tín hiệu 1080p. Phiên bản ra sau có thêm một số tính năng mới, chẳng hạn như Lip Sync để đồng bộ giữa tiếng và lời, và Deep Color để tăng chiều sâu màu cho hình. Hiện nay chỉ có những máy quay phim gia đình đời mới nhất mới hỗ trợ quay Deep Color để chiếu lên HDTV, ngoài ra chưa có thiết bị nào khác hỗ trợ.
Khác biệt giữa 100 Hz và 200 Hz, với mắt thường là không đáng kể. Ảnh: Usercast. |
7. Plasma burn-in là gì và làm thế nào để tránh?
Hiện tượng này còn gọi là cháy hình, và phụ thuộc vào từng loại TV Plasma mà bạn có. Mặc dù hiện nay, các hãng đã ứng dụng công nghệ phòng và chữa cháy, nhưng thế vẫn chưa đủ. Tìm hiểu căn nguyên về vấn đề này gợi lại lý do vì sao bạn cần phải có screensaver trên máy tính, thực chất là để tránh cho một điểm ảnh không hiển thị một màu cố định trong thời gian quá lâu (từ 1 giờ trở lên) sẽ gây ra các điểm chết màu, điều này rất dễ xảy ra khi xem TV, các điểm cố định chính là logo của nhà đài, ô bảng điểm trong một trận đấu bóng hay dải đen khi xem phim không đúng tỷ lệ màn hình. Tác động của hiện tượng này đặc biệt mạnh trong 100-200 giờ chạy đầu tiên. Trong thời gian này, bạn được khuyến cáo giảm độ sáng xuống thấp để giảm thiểu nguy cơ cháy hình.
8. Có phải TV LCD 200 Hz tốt gấp đôi 100 Hz?
Về lý thuyết là như vậy, nhưng bạn nên nhớ rằng bạn là... con người. 100 Hz đã cho kết quả rất mượt mà và 200 Hz có lẽ chỉ phù hợp cho những đôi mắt cú vọ. Đúng như vậy, đối với đa số chúng ta sự khác biệt là không đáng kể. Nếu bạn không quá khắt khe thì chắc cũng không cần phải lưỡng lự khi TV 100 Hz đang ngày càng trở nên thịnh hành và giá cả cũng rất hợp túi tiền.
9. Có nên đặt hàng mua HDTV từ nước ngoài?
Bạn nên tính đến những yếu tố phát sinh khi đặt hàng từ nước ngoài: phí vận chuyển, thuế hải quan, cơ chế bảo hành toàn cầu của hãng và dịch vụ hậu mãi ở địa phương mình. Bạn cũng nên kiểm tra xem sản phẩm đặt có phù hợp với lưới điện 220V cũng như tương thích với dải tần phát sóng của Việt Nam. Một màn TV sản xuất ở Mỹ sẽ chạy trên nguồn 110V AC và sử dụng tuner kỹ thuật số ATSC, trong khi nước ta và các nước châu Á khác sử dụng 220/240V giống Anh, và theo hệ PAL. Nếu lỡ mua nhầm, bạn sẽ phải đầu tư thêm, ít thì là một ổ cắm 3 chấu để cắm được vào phích, nhiều thì là cả một máy biến thế để đổi nguồn.
10. Mua về rồi, chỉnh TV thế nào cho chuẩn?
Bạn có thể mua DVD hỗ trợ chỉnh TV (DVD calibration disc) trên trang mạng Amazon (khoảng 36,81 USD) để chỉnh các thông số màu và độ sáng cho chuẩn. Một số công cụ khác cho phép chỉnh TV như DataColor SpyderTV Pro sẽ giúp bạn trông như một đại gia giải trí chuyên nghiệp, nhưng giá thành cũng trên trời: 649 USD cho cả bộ công cụ.
Triệt để tiết kiệm, bạn cứ đặt TV ở chế độ Standard hoặc Movie rồi tự mày mò những thông số phù hợp nhất với chính mình đến khi vừa ý thì thôi.
Nhữ Đình Ngọc Anh (theo Cnet)