Chiều 3/8, Văn phòng Chính phủ họp báo thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra cùng ngày và trả lời một số câu hỏi dư luận quan tâm.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã giải đáp về việc hồ sơ gốc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (năm 2015) bị thất lạc.
Theo ông Thừa, thời gian qua các cơ quan có trách nhiệm đã chỉ đạo xử lý nội dung trên, một số cá nhân liên quan bị kỷ luật. Cơ quan này cũng đã có báo cáo gửi Bộ Công an và cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ nói thêm, thời điểm xảy ra sự việc, cơ quan này nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh. “Tuy nhiên hiện Bộ chỉ còn giữ một bản gốc, còn một bản có đóng dấu công văn đến lưu văn thư thì đang thất lạc. Bộ đang kiểm tra, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan. Khi có kết luận cụ thể sẽ công khai", ông Thừa nói.
Trước đó tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh từ Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương được chuyển công tác, bầu bổ sung làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông này đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngành công thương, UBND tỉnh Hậu Giang trước khi bị truy nã... Ngày 31/7, cơ quan chức năng đưa tin ông Thanh "đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú".
Thứ trưởng Nội vụ nói về việc thất lạc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh
Quyết tăng trưởng 6,7%, giảm chi phí cho doanh nghiệp
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay. Theo đó, nửa cuối năm 2017 nhóm ngành công nghiệp phải đảm bảo tăng gần 8%, dịch vụ thương mại trên 7%...
Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo các Bộ, ngành phải “nhen lên ngọn lửa” trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện cho được mục tiêu trên.
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng bảy và bảy tháng đầu năm cho thấy nhiều tín hiệu khả quan khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Bảy tháng đầu năm, CPI tăng 3,91% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%). Tín dụng tăng mạnh, đặc biệt lãi suất giảm 0,5%, giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Giải ngân vốn đầu tư công đã tăng 1,8 lần so với tháng trước. Thu hút đầu tư tăng mạnh, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI). Cả nước, có 73.000 doanh nghiệp mới đăng ký và trên 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tuy vậy, nhập siêu còn cao, trên 3 tỷ USD; công nghiệp khai khoáng vẫn giảm sâu – 7,5%. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn khi cả nước có tới 43.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, cao hơn so với cùng kỳ. Giải ngân tăng nhưng chưa đạt yêu cầu khi 7 tháng mới đạt 38,5% dự toán…
Dịch sốt xuất huyết lan rộng, diễn biến phức tạp. Ghi nhận cả nước có 53,4 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, đặt biệt có 17 người tử vong.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, các thành viên Chính phủ đã thảo luận chuyên đề giảm chi phí chính thức, không chính thức cho doanh nghiệp. Cụ thể như, giảm chi phí đường bộ, giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tại khâu thông quan từ 30-35% xuống còn 15%.
Theo ông, hiện còn 5.719 thủ tục hành chính, giấy phép của các bộ ngành khiến thời gian, chi phí thông quan hàng hoá lớn, gây khó cho doanh nghiệp, như Bộ Công Thương còn trên 1.200 giấy phép, Bộ Xây dựng còn khoảng 600 giấy phép…
Chi phí hải quan có xu hướng giảm, nhưng rất chậm chưa đáp ứng nhu cầu; chi phí logistics chiếm trên 20% là rất lớn.
“Chúng ta phải quyết liệt giảm chi phí đầu vào cả chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Vì thế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/8 để có đối sách rõ ràng hơn trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.
Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển mạnh thị trường trong nước, không để nước ngoài chiếm lĩnh, thâu tóm thị trường nội địa.
Bộ Giao thông có giải pháp nâng cao công suất sử dụng cảng Cái Mép-Thị Vải, một trong 19 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu siêu trọng. Xây dựng cụm hậu cần phục vụ cụm cảng Sài Gòn. Nghiên cứu giảm chi phí xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng…
Nhóm phóng viên
Xem diễn biến chính