Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Việt Nam và Trung Quốc đã thông qua Hiệp định vận tải ở mức độ vận tải thương mại và đang tiếp tục hoàn thiện về mặt pháp lý để điều chỉnh, bổ sung hiệp định vận tải đường bộ giữa hai nước để trong thời gian ngắn nhất, xe cá nhân của hai nước sẽ đi vào thuận lợi giúp phát triển tiềm năng du lịch cũng như thương mại song phương.
Việt Nam đã ký hiệp định về vận tải đường bộ với Trung Quốc vào năm 1994. Vào năm 2001, Nghị định thư sửa đổi và nghị định thư về thực hiện hiệp định đã được ký kết, trên cơ sở đó đã tạo điều kiện cho Hiệp định đường bộ hai nước phát triển một cách tốt nhất.
Đến nay có 16 tuyến vận tải hành khách và 20 tuyến vận tải đường hàng hóa thông qua 7 cửa khẩu trong đó có 3 tuyến là vận tải sâu của hai nước là tuyến Côn Minh, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng và tuyến Nam Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, và tuyến Thâm Quyến, Lạng Sơn, Hà Nội. 3 tuyến này trong thời gian vừa rồi đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hàng hóa giữa hai nước, đặc biệt là giữa Quảng Tây và các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam.
Hiện nay, thực hiện kết nối giữa ASEAN và Trung Quốc, Việt Nam nằm trong 7 quốc gia kết nối ở Đông Nam Á của Trung Quốc. Tuyến đường sắt từ Côn Minh, Trung Quốc đi Singapore chỉ còn đoạn nối từ thủ đô PhnomPenh (Campuchia) sang thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến đường sắt này đang được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện lập dự án, thiết kế để sớm xây dựng và trước năm 2020 có thể hoàn thiện.
Kết nối với tỉnh Quảng Tây, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, bằng nguồn vốn ODA của Trung Quốc và nguồn vốn ADB. Đồng thời cũng tiếp tục nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao nối Côn Minh, Lào Cai, Hà Nội và Hải Phòng theo tiêu chuẩn đường bộ 45.
Đoàn Loan