37 tuổi, Hồ Thanh Tuấn đã có 12 năm gắn bó với Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) để mỗi năm mang về đất liền hơn một triệu viên ngọc trai với 3 màu đen, trắng, vàng óng ánh. Trước đây anh từng nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng do thường xuyên di chuyển xa ở những vùng biển khác nhau nên cuối cùng Tuấn chọn Côn Đảo làm quê hương thứ hai và được chính quyền địa phương cho phép thành lập quỹ học bổng mang tên nữ Anh hùng Võ Thị Sáu.
Ảnh: Nghề nuôi trai lấy ngọc ở Côn Đảo |
Lớn lên trong gia đình cha làm vườn, mẹ mở tiệm tạp hóa nhỏ gần chợ xã Mỹ Hương của huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), thời phổ thông, Tuấn mơ ước được trở thành kỹ sư tin học và chinh phục công nghệ thông tin. Ấp ủ đam mê ấy, anh thi đỗ vào khoa Tin học viễn thông của ĐH Bách khoa TP HCM. Ra trường, Tuấn được nhận vào làm tại một công ty chuyên về tin học tại Sài Gòn rồi được cất nhắc lên vị trí quản lý với mức lương 700 USD một tháng.
Thu nhập ổn định, Tuấn tự tin lập gia đình. Bạn bè cứ tưởng cuộc đời anh đi vào "quỹ đạo" với những phần mềm tin học vì đó là ước mơ cháy bỏng của chàng sinh viên miền Tây ngày nào. Thế nhưng, Tuấn đã bước sang ngã rẻ khác khi công ty anh nhận được hợp đồng từ nhóm chuyên gia người Pháp với yêu cầu thiết kế trang web liên quan đến nghề nuôi trai lấy ngọc. Từ đây, Tuấn biết nhiều về sự diệu kỳ của loài nhuyễn thể cho ra những viên trân châu giá trị. Sau đó anh được nhóm chuyên gia người Pháp mời hợp tác nuôi trai lấy ngọc với vai trò là trưởng dự án tại Việt Nam.
Trước khoản thù lao tương đương khoảng một tỷ đồng mà đối tác đưa ra khi hoàn vốn, Tuấn đã mất 3 tháng suy nghĩ vì công ty nơi Tuấn đang làm muốn giao hết cơ nghiệp cho anh do ông chủ bận việc gia đình. Cuối cùng chàng trai này đã chọn hướng ra biển lớn để tìm cách đổi đời. Từ đây, hơn 100 ha mặt nước biển được chính quyền huyện Côn Đảo cho Tuấn và những người bạn nước ngoài thuê với giá ưu đãi trong 20 năm kể từ năm 2001.
"Nghe tôi ra Côn Đảo nuôi trai lấy ngọc, vợ với gia đình phản đối gay gắt vì từ bỏ công việc có thu nhập cao, phù hợp với chuyên môn để theo nghề trước giờ chưa biết đến. Bạn bè thì cho rằng hoang tưởng, liều lĩnh nhưng tôi quyết tâm ra đi, muốn cuộc đời có một trải nghiệm mới", Tuấn chia sẻ và cho biết lần đầu đến Côn Đảo anh khám phá được nhiều điều thú vị ngoài sự mong đợi khi tận mắt nhìn rồi tận tay sờ vào con trai cho ra những viên ngọc quý.
Sau những phấn khích mang ra từ đất liền, Tuấn đối mặt ngay với muôn vàn khó khăn do phải thường xuyên lênh đênh ngoài khơi, bị say sóng, nôn ói, nắng nóng rát mặt rồi lặn biển trong 6 năm liền. Những ngày đầu nới nhảy xuống đại dương, Tuấn lên bờ với cảm giác ù tai, chảy máu mũi nhưng anh vẫn không bỏ cuộc.
"Cứ tưởng mọi chuyện suôn sẻ nhưng đến năm 2007 cơn lốc khủng hoảng kinh tế làm cho công ty mẹ bên Pháp phá sản. Các chuyên gia đang hợp tác với tôi bỏ dự án về nước giữa chừng, tôi một mình ở lại với bàn tay trắng, mất hết vốn liếng mà không nhận được một đồng thù lao nào", Tuấn nhớ lại.
Biết Tuấn thất bại với dự án nguôi trai lấy ngọc cùng đối tác người Pháp, những người bạn từng ngăn cản anh trước đây không chỉ trích mà còn động viên và cho mượn vốn để Tuấn gầy dựng lại cơ đồ. Nhiều đêm vợ chồng anh ôm nhau khóc, lo cho tương lai các con nếu người chồng, người cha thất bại lần nữa vì chuyến quay lại Côn Đảo lần này Tuấn mang theo toàn vốn vay mượn.
Bằng nghị lực của chàng trai miền Tây từng theo cha cầm cuốc trồng cây cho vườn tược xum xuê ở quê nhà, Tuấn ôn lại hết kinh nghiệm của những lần sang Nhật, Pháp tập huấn để bắt tay vào việc nuôi cấy trai, tiếp tục lặn biển và không ít lần bị sụp vào hố san hô giữa biển phải lết vào bờ với đôi chân đầy máu.
"Biển Côn Đảo khác nhiều nơi trên thế giới là có thể nuôi được nhiều loại trai. Đây là lý do vì sao cùng một nguồn nước mà tôi mang về đất liền được nhiều ngọc có màu sắc khác nhau, trong đó giá trị nhất là viên màu vàng", Tuấn tiết lộ.
Thêm 2 năm xa vợ con, hàng nghìn viên ngọc đầu tiên được Tuấn chuyển về đất liền trong niềm vui vỡ òa của người thân. Nửa năm sau, số lượng ngọc trai Tuấn thu hoạch lên đến hàng triệu viên và lúc này anh nhận ra rằng nếu cứ bán thô cho tiệm kim hoàn hay đối tác nước ngoài thì lợi nhuận thu về không bao nhiêu. Vì thế, Tuấn tiếp tục huy động vốn từ bạn bè mở Công ty Ngọc trai Hoàng Gia ở quận 7 (TP HCM) rồi thành lập xưởng chế tác để sản phẩm trang sức từ ngọc trai có giá cao hơn ngọc trai thô hàng chục lần.
Chưa dừng lại, để ngọc trai Việt Nam vươn xa ra thế giới với sự khác biệt rõ nét, Tuấn mày mò tìm cách khắc hoa văn trống đồng trên viên ngọc rồi tiếp tục cấy vào thân trai, thả xuống biển nuôi tiếp một năm. Theo anh, nếu nuôi lâu hơn thời gian này thì hình ảnh hoa văn sẽ không còn do trai tiết ra xà cừ bao phủ hết bề ngoài viên ngọc đã được khắc trống đồng. Với thời gian vừa đủ, viên ngọc "tái thu hoạch" cho họa tiết hoa văn mờ đặc trưng mang thương hiệu Tuấn "Ngọc trai", đưa anh thành nghệ nhân quốc gia trong lĩnh vực kim hoàn, đá quý.
Hai năm trước, trong lần đưa con đi nhổ răng, bác sĩ gói chiếc răng sữa của đứa bé đưa cho Tuấn mang về làm kỷ niệm. Thế là người cha nghĩ đến cách bảo quản "vật gia bảo" cho con bằng cách đưa chiếc răng vào cơ thể con trai rồi thả xuống biển nuôi một năm rưỡi. Kết quả bất ngờ, chiếc răng được phủ một lớp xà cừ bên ngoài với màu vàng ngọc lấp lánh. Từ thành công này, anh Tuấn gửi sản phẩm cùng đơn đăng ký sáng chế đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) để xin cấp bằng sở hữu trí tuệ về Phương pháp tạo ngọc trai từ răng cùng Phương pháp tạo hoa văn chìm trên ngọc trai.
Một cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ cho biết cả 2 phương pháp của Tuấn "Ngọc trai" đã được phòng sáng chế trao quyết định công bố đơn hợp lệ. Quá trình thẩm định cho thấy 2 phương pháp này có nhiều điểm mới lạ, chưa ai đăng ký. "Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay anh Tuấn sẽ được cấp bằng độc quyền về sở hữu trí tuệ", cán bộ này cho biết.
Từ thành công của nghề nuôi trai lấy ngọc, Tuấn trả hết nợ bạn bè và mỗi năm thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng. Có tiền trong tay, anh trả ơn quê hương thứ hai của mình bằng quỹ học bổng mang tên nữ Anh hùng Võ Thị Sáu để giúp đàn em ở biển đảo có điều kiện học hành, phát triển tương lai. Còn ở quê nhà Sóc Trăng, những chuyến anh về làm từ thiện đều không quên tìm những mảnh đời cơ nhỡ đưa ra trại nuôi trai làm việc hoặc đào tạo nghề tại xưởng chế tác ngọc với thu nhập ổn định.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết dự án nuôi trai lấy ngọc của anh Tuấn được đánh giá rất khả thi, triển vọng tốt, góp phần vào phát triển kinh tế và du lịch tại địa phương. "Trong công tác đền ơn đáp nghĩa, Công ty Ngọc trai Hoàng Gia đã giúp địa phương tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục, trao học bổng Võ Thị Sáu tạo động lực cho học sinh nghèo có điều kiện đến trường học tập như bạn bè cùng trang lứa", lãnh đạo huyện đảo cho biết thêm.
Hiện mơ ước của doanh nhân trẻ 37 tuổi là tiếp tục xuất khẩu ngọc trai sang Mỹ, mở thêm thị trường châu Âu, châu Á và chế tác ra những sản phẩm phù hợp với giới trẻ nhằm phá vỡ lối mòn về suy nghĩ "ngọc trai chỉ dành cho những người đứng tuổi".
Nghề nuôi trai lấy ngọc xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1967 ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Đến năm 1980 doanh nghiệp nuôi trai này giải thể. Năm 1988 ngành thủy sản Việt Nam bắt đầu nghiên cứu nhiều đề tài liên quan đến sản xuất con giống, sản xuất nhân cấy, phương pháp cấy nhân và các công nghệ sau thu hoạch. Kỹ sư Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ngọc trai Việt Nam (nguyên cán bộ Bộ Thủy sản) cho biết, cả nước hiện có 11 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và làm đồ trang sức từ ngọc trai. Trong đó 2 đơn vị có quy mô lớn nhất là Ngọc trai Hoàng Gia và Công ty cổ phần Ngọc trai Việt Nam, còn lại chỉ nuôi cấy nhỏ lẻ nhằm phục vụ du lịch. Theo ông Thắng, mỗi năm cả nước chỉ sản xuất được khoảng 70-80 kg ngọc trai. Hiện công ty ông đang nuôi trai lấy ngọc trên diện tích 56 ha tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Đơn vị này đang xin chủ trương mở rộng diện tích thêm 800 ha vì ông đã có đủ quy trình sản xuất con giống (trai nhân tạo), sản xuất nhân, phương pháp cấy và công nghệ sau thu hoạch. |
Duy Khang