Đây là câu chuyện thật, có một không hai, đã và đang xảy ra ở tỉnh Long An. Hai con người hai phận đời khác nhau, người nào cũng đáng để viết nên điều kỳ diệu.
Anh Phạm Văn Đúng số nhà 113 D khu vực 4 Thị Trấn Đức Hòa (Đức Hòa - Long An) do tính tình cởi mở, hòa đồng và năng động trong công việc. Tuy rằng chức vụ trưởng ấp không phải là lớn, nhưng được người dân tin yêu và bỏ phiếu tính nhiệm cho anh đến bốn nhiệm kỳ. Đến hết nhiệm kỳ thứ tư anh chuyển sang làm phó ban bảo vệ dân phố, anh vừa làm xuất sắc công việc ngoài xã hội, vừa lo chu toàn cuộc sống gia đình.
Nếu như mọi việc đều xuôi chèo mát mái, gia đình hoàn thiện, hạnh phúc… thì quả thật tuyệt vời. Nhưng cuộc đời đâu có ai biết trước được số phận ngày mai ra sao để mà tránh. Đùng một cái chị Hưng là vợ của anh bị bệnh nặng, căn bệnh ung thư phổi đã không giữ được mạng sống của người vợ mà anh yêu thương nhất. Ngày bà con cô bác gần xa đến đưa tiễn chị Hưng, mọi người khóc thương cho hoàn cảnh của anh chị thì ít, nhưng khóc cho Lợi, cô em vợ của anh thì nhiều.
Không hiểu tại sao cô Lợi vừa chào đời vài ngày thì mẹ mất, được ba tuổi thì ông nội qua đời, đến năm lên mười thì bà nội chết. Ít năm sau ông chú thứ bảy cũng từ giả cõi trần, cha Lợi và chú út đều bị chứng bệnh tai biến nằm liệt giường, rồi họ lần lượt trở về với tổ tiên. Và cuối cùng người chị gái duy nhất cũng bỏ Lợi mà đi…
Lợi sinh ra chỉ để lấy sức vật lộn với những cơn sóng lớn của cuộc đời. Thuở còn tuổi đôi mươi Lợi cũng là cô gái sắc nước hương trời, nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng nàng chỉ yêu có một người. Hai người từng trao cho nhau những giây phút mặn nồng, nhưng không vượt qua giới hạn. Đến lúc tình yêu chín muồi thì Lợi bị người ta phụ tình, chàng trai ấy âm thầm bỏ đi cưới vợ. Sau cú sốc nặng nề đó Lợi không thể chịu nổi, cô giam mình trong phòng kín, từ ngày này qua ngày khác. Gia đình đều ai cũng biết cô bị tương tư, nhưng vì thời ấy do cuộc sống nghèo khổ nên phận ai nấy lo, không ai để tâm tới chuyện động viên em cháu của mình.
Đến khi phát hiện Lợi bị cuồng điên, thì gia đình mới bắt đầu đưa Lợi đến bệnh viện chữa trị, nhưng đã quá muộn màng. Nét đẹp một thời con gái đã không còn nữa, nhan sắc dần dần tàn phai vì bệnh tình của cô, lúc đó Lợi còn ở nhà nội, Hưng có chồng đi xa. Ít lâu sau Lợi rời khỏi nhà nội và tìm đến nhà chị gái ở.
Vài năm đầu mới phát bệnh Lợi còn biết tự vệ sinh thân thể, qua sau Lợi như là kẻ sống vô hồn, cô ấy nói cười vô tư, mọi sinh hoạt hàng ngày phải có sự hỗ trợ của chị gái và anh rể.
Đến ngày chị Hưng mất, anh Đúng hỏi Lợi “Chị hai chết rồi em biết không?” Lợi trả lời “biết” trước sự chứng kiến của nhiều người, làm mọi người phải đổ nước mắt thành giọt như mưa.
Đưa tiễn chị Hưng về chốn an nghỉ cuối cùng, họ hàng bên ngoại bàn bạc nhau đưa Lợi đến trung tâm dành cho người tâm thần, và theo dự tính sẽ gửi Lợi ở luôn trong đó, nhưng anh Đúng không đồng ý, anh bảo cứ để đó anh lo.
Lúc này Lợi ngoan hơn một chút, tuy nhiên khi nào thích mới ăn, không thích thì lại hất đổ tung tóe, ngay cả chuyện tiểu tiện cũng vậy, vui thì đi ra ngoài, buồn thì tọa luôn tại chỗ. Anh Đúng cho biết, những ngày ‘đèn đỏ’, nếu ai gớm thì không thể chịu đựng được đâu. Nhưng đối với anh thì khác, vợ anh mất sáu năm rồi, nhà có con dâu nhưng nó không quen làm những việc này, vì thế một tay lo hết.
Mỗi ngày 24 giờ, nhưng công việc của anh chiếm gần hết 20 giờ, sáng ra anh phải đèo hai đứa cháu nội đưa vô trường học, sau đó cứ thẳng đường mà chạy, tới ủy ban hợp giao ban xong, anh quay trở về lo cơm nước, làm vệ sinh thân thể cho em sạch sẽ. Ban đêm, có bao nhiêu mùng mền nó đem ra xé nát, nên anh phải dùng nhang muỗi, không thăm chừng thì em sẽ bị muỗi cắn, hoặc rủi đâu nửa đêm nó lén đi ra đường xe cộ thì khổ.
Ai mời dự tiệc cũng chẳng dám ngồi lâu, rượu trà thì tuyệt đối không dùng. Lâu dần trở thành thói quen, họ hàng bên anh ai cũng hiểu và thông cảm, mọi người động viên anh rất nhiều, nhờ vậy mà anh càng có thêm nghị lực. Có lúc vui mấy anh bạn trong xóm theo cáp đôi anh với một người phụ nữ góa chồng, họ muốn anh bước thêm bước nữa. Thật tình mà nói, anh có thể bước mấy bước cũng được, nhưng vì thương đứa em bệnh tật, nó cũng là con người, sinh ra đời đã không gặp được vận may, người thân không còn ai, dù gì anh cũng là người dưng, bây giờ có người đàn bà khác, liệu người dưng đó có biết cảm thông như người dưng này hay không?
Anh chấp nhận ‘nhịn thèm’ để khỏi phải vươn mang phiền toái, hiện tại anh 59 tuổi thì Lợi cũng 54 rồi còn gì. Khi nào em Lợi xong phần thì anh mới tính, rủi có già quá thì thôi. Niềm vui lớn nhất của anh bây giờ là làm được cái gì mà người đời cho rằng anh không thể làm được. Mặc dù bản thân anh cũng là kẻ tật nguyền, anh chỉ có một con mắt mà thôi.
Đúng là anh Đúng, việc làm và cách suy nghĩ của anh rất đúng với đạo lý làm người, một người đàn ông vừa mẫu mực vừa mạnh mẽ, tình người của anh quả thật bao la và vĩ đại. Anh sợ người dưng ăn hiếp người dưng, vì đối với anh bây giờ Lợi là cô em gái bất hạnh nhất. Cô ấy rất cần tình thương yêu và sự chở che bao bọc của mọi người, mà người gần gũi nhất chính là anh.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow Vì bạn xứng đáng phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3. |
Nguyễn Thị Cẩm Vân