- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng úng ngập hiện nay của Hà Nội?
- Hiện tượng úng ngập của Hà Nội là do nhiều yếu tố, như cốt nền thấp trong khi hệ thống thoát nước nhiều bất cập. Hà Nội đã mở rộng, phân thành 3 vùng thoát nước, song hệ thống cống rãnh chưa thay đổi, một số tuyến cống đã được làm mới song chưa hoàn chỉnh, như đoạn cống tại Lò Đúc ách tắc khiến khu vực hồ Gươm bị ngập. Khu Keangnam ở phía tây cũng bị úng ngập nặng do chưa kết nối vào hệ thống thoát nước chung.
Bên cạnh đó, diện tích mặt nước hồ điều hòa rất hạn chế, nhất là với những cơn mưa lưu lượng 150-200 mm thì cần trữ nước vào hồ điều hòa. Diện tích hồ phải chiếm 5-7% diện tích tự nhiên của đô thị, song hiện nay Hà Nội có 111 hồ ngoại thành, 70 hồ nội thành với khoảng 6.000 ha, quá nhỏ so với 330.000 ha diện tích tự nhiên, chưa đáp ứng được diện tích tối thiểu để điều hòa nước khi mưa lớn.
Trong khi, hàng loạt hồ, kênh mương lại bị lấn chiếm do ý thức của con người mà không được mở rộng. Hệ thống cống của chúng ta thường xuyên bị người dân xả rác vô tội vạ, rất vất vả để duy tu bảo dưỡng.
- Thưa ông, tại sao nước sông khu vực ngoại thành như sông Nhuệ, Tích hay dâng cao trong thời gian gần đây?
- Có thể việc khơi thông dòng chảy của các sông này so với sông trong nội thành chưa được quan tâm. Chúng ta không nạo vét thường xuyên nên lòng sông bị bồi đắp, rác thải không được thu dọn dẫn đến khả năng thoát nước kém. Hiện tượng tràn nước sông Nhuệ, các sông Đáy, Tích luôn ở mức báo động mấy ngày qua cho thấy cần xem xét lại việc lưu thoát của các con sông này.
Bên cạnh đó, 4 lưu vực thoát nước của Hà Nội là Bắc sông Hồng, Nam sông Hồng, tả Nhuệ, hữu Nhuệ đều phải có trạm bơm đầu mối, song hiện mới có trạm Yên Sở hoạt động hiệu quả với công suất 90 m3/s. Hiện tượng mưa vừa qua khiến 9.000 ha lúa bị ngập cho thấy rõ ràng các trạm bơm đầu mối chưa hiệu quả. Do vậy, Hà Nội úng ngập ở ngoại thành và nhiều điểm mới xuất hiện như hồ Gươm, Keang nam là một tất yếu.
- Hà Nội đầu tư dự án thoát nước với kế hoạch tiêu thoát mưa lưu lượng 300 mm đến năm 2015, ông nghĩ sao về mục tiêu này?
- Tôi cho rằng thành phố cần xem xét lại mục tiêu này trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra. Hà Nội từng có trận mưa lớn lịch sử tới 500 mm, trận mưa vừa qua gần 300 mm nên mục tiêu giải quyết lượng mưa 300 mm với tần suất 10 năm cần xem xét lại để có điều chỉnh kịp thời.
- Vậy trước mắt, Hà Nội cần giải bài toán úng ngập như thế nào?
- Tình trạng úng ngập của Hà Nội đòi hỏi vai trò tích cực của người quản lý và người làm quy hoạch. Thành phố phải rà soát quy trình thoát nước, không nên chọn các dự án ưu tiên mà phải xử lý toàn diện, từ hệ thống cống đến hồ điều hòa, mạng lưới sông và hệ thống bơm tiêu phải được kết nối hiệu quả.
Trận mưa lớn vừa qua cũng là một bài học cho Hà Nội khi mở các con đường lớn như Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài... hay khi xây dựng các khu đô thị mới. Đáng lẽ phải làm hạ tầng kỹ thuật bên ngoài trước và đấu nối với hệ thống thoát nước chung thì công tác này tiến hành sau khi đường đã thông, thậm chí các khu đô thị không đấu nối được hệ thống thoát nước với khu vực xung quanh.
Đoàn Loan