Gần đến ngày khai giảng năm học mới, Ban giám hiệu Tiểu học Bà Triệu (số 31 phố Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng) lại tất bật chuẩn bị thủ tục cho lễ chào cờ dưới lòng đường cho khoảng 600 học sinh và thầy cô. Hàng chục năm nay, cứ dịp khai giảng và chào cờ đầu tuần, hàng trăm học sinh của ngôi trường nằm ở trung tâm thủ đô lại kê ghế ra đường dự lễ.
Nằm trong ngôi biệt thự 3 tầng kiến trúc Pháp chật chội, cơ sở chính này chỉ có 8 lớp với chừng 230 học sinh, không có chỗ chơi. Phần sân trước vỏn vẹn gần 10 m2, nên tất cả các hoạt động chào cờ, sinh hoạt lễ, tết, ngày 20/11... đều diễn ra dưới lòng đường Tô Hiến Thành luôn tấp nập xe cộ qua lại.
Cô Nguyễn Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Tiểu học Bà Triệu cho biết, chật chội nhưng hoạt động chào cờ của trường vẫn được duy trì đều đặn. Thứ hai hàng tuần, học sinh tập trung thành các hàng ngay ngắn dưới lòng đường, còn các thầy cô đứng thành các hàng rào chắn phía ngoài.
"Vào các ngày lễ lớn, có khách mời thì trường phải nhờ sự giúp đỡ của UBND phường, công an khu vực ngăn đường, đảm bảo buổi lễ được diễn ra an toàn, khẩn trương", cô Thúy chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng thiếu không gian học tập suốt nhiều năm, trường đã bố trí 2 điểm học lẻ ở 37 Tô Hiến Thành và 173 Bà Triệu để các em lớp 4 và 5 chuyển sang ăn trưa và tiếp tục học chiều. Đồng thời, trường thành lập các thư viện lưu động ở ban công lớn để các em ngồi đọc sách. Một phần để rèn cho các em làm quen với văn hóa đọc sách, phần nữa là nhằm hạn chế việc chạy nhảy nhiều.
"Năm nay, trường còn đưa ra một số trò chơi dân gian như ô ăn quan, cờ vua, cờ tướng... để các em có thể chơi tại chỗ mà không phải ra lòng đường, nơi có nhiều xe cộ qua lại, rất nguy hiểm", lãnh đạo trường nói thêm.
Nhiều năm nay, hơn 800 thầy trò Tiểu học Võ Thị Sáu (35 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cũng ở tình trạng tương tự. Trường vốn chật chội, chỉ có 6 lớp với 25 học sinh, lại chung lối đi với 11 hộ dân nên việc học tập, đi lại, nhất là lúc tan ca gặp nhiều khó khăn.
Giờ giải lao, các em đều phải nghỉ trong khuôn viên đằng sau phòng học, chơi đùa ở các bậc cầu thang lên xuống, hoặc ngồi tại chỗ, chứ không thể chạy nhảy, đùa nghịch như bạn bè ở nhiều trường học khác.
Do chật chội nên 800 thầy trò của trường phải chia ra 2 điểm nữa ở 24 Trần Hưng Đạo và 18 Hàm Long. Tuy nhiên, địa điểm trên phố Hàm Long, với 500 học sinh lại nằm sâu trong khu dân cư đông đúc, 2 bên là hàng quán ồn ào và nằm cạnh chùa nên nhiều hôm tiếng giảng bài lẫn cả với tiếng tụng kinh.
Cô giáo Lê Thúy Quỳnh cho biết, do chưa thể quy các điểm trường rải rác về một mối nên đã gây khó khăn cho các hoạt động giáo dục của nhà trường, hoạt động ngoại khóa, từ đó khó đảm chất lượng học tập cho các em.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường học ở nội thành Hà Nội có cơ sở vật chất chật chội. Một tháng trước năm học mới, UBND TP Hà Nội đã quyết định thu hồi gần 40.000 m2 "đất vàng" ở nhiều quận, huyện để xây mới và mở rộng trường học. Trong đó sẽ thu hồi hàng nghìn m2 đất ở số 13 Phan Huy Chú và 114 Mai Hắc Đế để xây trường Tiểu học Võ Thị Sáu và Tiểu học Bà Triệu
Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, hiện nay một số trường nội thành đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất như Tiểu học Lê Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm, Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), Chu Văn An (Tây Hồ)... Những trường này đều phải đi thuê, mượn địa điểm bên ngoài, thậm chí, hai trường phải chung nhau một cơ sở để giảng dạy.
Điều này khiến các trường không thể thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT là giảng dạy hai buổi một ngày, giúp giáo dục toàn diện, tổ chức các hoạt động tập thể, giảm áp lực cho học sinh. Ngoài ra, diện tích của trường nhỏ, số lớp học sẽ ít, trong khi dân số ngày càng tăng sẽ khiến các trường thêm áp lực vì sĩ số mỗi lớp phải đẩy lên cao.
"Để đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh trường phải thuê địa điểm bên ngoài để trông giữ và giảng dạy cho các cháu. Nhưng chính điều này cũng tạo nên bất cập vì trường lớp không tập trung, cơ sở vật chất đi thuê, mượn không đảm bảo yêu cầu như trong trường học", ông Tiến nói.
Hồ Phương Phúc - Nguyên Anh