Từ ngày 4/7, UBND TP đã có tờ trình gửi HĐND TP đề nghị xem xét thông qua việc tăng viện phí theo thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính (năm 2012) quy định mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước. Tuy nhiên, đến ngày khai mạc (10/7) UBND TP bất ngờ "rút" tờ trình này.
Tại tờ trình vừa nêu, UBND TP cho rằng thông tư liên tịch đã có hiệu lực từ 15/4 năm ngoái, đến nay hơn 60 tỉnh thành điều chỉnh viện phí nhưng TP HCM vẫn chưa thực hiện. Mặt khác, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo sớm trình HĐND TP xem xét, quyết định giá viện phí trong năm 2013.
Hàng năm ngân sách thành phố phải cấp cho ngành y tế đều tăng (năm 2012 là 2.054 tỷ đồng, năm 2013 cấp 2.415 tỷ đồng, tăng 17,6%). Nhưng ngành y tế thành phố đang phải chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh cho người bệnh của cả khu vực phía Nam (khoảng 30% bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện thành phố là từ các tỉnh, thành trong cả nước).
Theo đề xuất trước đó của UBND TP, ước tính tỷ lệ tăng bình quân trên tổng số các dịch vụ kỹ thuật là 149% (1,49 lần). UBND TP cho biết kết quả thẩm định giá điều chỉnh viện phí cho thấy các bệnh viện ở thành phố xây dựng giá căn cứ vào chi phí thực tế phát sinh và các định mức kỹ thuật tiên tiến của Bộ Y tế. Tỷ lệ bình quân mức giá các bệnh viện xây dựng đã được thẩm định bằng 90% khung giá tối đa qui định tại thông tư liên tịch số 4.
Đánh giá tác động của việc đề xuất tăng viện phí đối với người sử dụng dịch vụ y tế và đời sống người dân, UBND TP khẳng định người dân được sử dụng các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn cả về chất lượng chuyên môn lẫn phục vụ. Đồng thời cũng cho rằng, trong tổng chi phí khám chữa bệnh thì chi phí thuốc và vật tư chiếm 60%; chi phí các dịch vụ kỹ thuật chiếm 40%. Do vậy việc điều chỉnh giá viện phí lần này chỉ điều chỉnh tăng ở phần 40% phí các dịch vụ kỹ thuật, còn thuốc và vật tư được tính theo giá mua vào của bệnh viện.
Chiều 10/7, tại phiên thảo luận tổ, Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, với tư cách là một vị đại biểu ông rất hiểu việc chưa tăng viện phí lúc này. Nhưng với tư cách là một người công tác trong ngành y tế thì thật sự đây là điều đáng buồn vì ngành đang gặp khó khăn lớn về kinh phí để phát triển. "Mong HĐND cho biết hoãn tăng viện phí trong năm nay thì sẽ được tăng vào khi nào? Năm sau hay bao nhiêu năm nữa để những người công tác trong ngành yên tâm", ông Thượng băn khoăn.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, việc UBND TP đề xuất tăng viện phí là hợp lý và cần thiết. HĐND TP Hà Nội cũng vừa đồng ý tăng viện phí từ 1/8 tới. "Các bệnh viện Trung ương trên địa bàn, bệnh viện ở các địa phương trên cả nước cũng đã tăng hết rồi. Tuy nhiên, kỳ này HĐND TP đã đồng ý tăng học phí vì việc này đã dừng lại quá lâu, đến nay không thể dừng được nữa. Song, không thể vừa tăng học phí vừa tăng viện phí cùng một lúc được vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội, tạo tâm lý không tốt trong nhân dân", bà Tâm cho biết.
Theo bà Tâm, Thường trực HĐND TP đã cân nhắc rất kỹ và đưa ra nhiều phương án nhưng không thể cùng một lúc tăng mức phí ở cả những lĩnh vực ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Vì vậy, ngành Y tế thành phố cần tiếp tục chia sẻ với khó khăn của người dân. Thành phố cũng đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển đối với ngành y tế chứ không đến mức để ngành "không chịu đựng nổi".
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP khóa VIII, UBND TP đã gửi tờ trình tăng học phí 3-4 lần so với hiện nay. Nếu được HĐND TP thông qua, mức học phí mới sẽ được áp dụng từ năm học tới (2013 - 2014).
Hữu Công