Danh mục sẽ gồm các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa - lịch sử dự kiến nghiên cứu bảo tồn trong khu trung tâm thành phố hiện hữu rộng 930 ha (quận 1, 3 và một phần quân 4, Bình Thạnh) đã được phê duyệt.
UBND TP HCM yêu cầu Viện Nghiên cứu Phát triển đề xuất tiêu chí phân loại, lập danh mục các biệt thự cần bảo tồn và danh mục các công trình chưa được phép tháo dỡ; các khu vực cần bảo vệ không gian kiến trúc biệt thự.
Theo các chuyên gia kiến trúc, khu nhà cổ bột giặt Net đang bị xuống cấp được đề xuất bảo tồn. Ảnh: H.C. |
UBND TP HCM cũng sẽ ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn và quy định về tách thửa các biệt thự cũ để tránh có thêm nhiều công trình bị mai một.
Năm 1993, lần đầu tiên TP HCM thực hiện chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Sau 5 năm nghiên cứu, chương trình đã đề xuất 108 nơi cần bảo tồn cảnh quan kiến trúc. Tuy nhiên, do thành phố không đưa ra được quy chế và phương án bảo tồn nên nhiều công trình đã bị "xóa sổ" khi thực hiện một số dự án. Theo TS.KTS Lê Quang Ninh, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu, hiện chỉ còn khoảng 70% trong danh mục 108 công trình đã được đề xuất.
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đã phá bỏ cầu bắc qua Thảo Cầm Viên, được đánh giá là đẹp không kém các cầu bắc qua sông Seine nổi tiếng của Pháp. Nhà đèn Chợ Quán và hàng loạt biệt thự cổ được xem là "hồn nơi chốn" của thành phố cũng không được bảo vệ khi xây dựng dự án đại lộ Đông Tây...
Trung Sơn