- Sau sự việc va chạm nghiêm trọng trên biển Đông vừa rồi giữa tàu cá Việt Nam và tàu Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra công hàm phản đối, song Trung Quốc đã chối bỏ. Vậy Việt Nam sẽ có những động thái ngoại giao gì để giải quyết sự việc?
- Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rất rõ vùng đánh cá đó là vùng đánh cá của Việt Nam, việc Trung Quốc cản trở việc đánh cá của ngư dân ta là vi phạm các nguyên tắc ứng xử trên biển.
Nguyên tắc của Việt Nam là bảo vệ ngư dân và những hành vi cản trở ngư dân như vậy là rất nghiêm trọng. Trên ngư trường, nếu có những vi phạm vào vùng biển của Việt Nam thì các lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm bảo vệ.
- Chưa kỳ họp nào báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu tại tổ lại nói nhiều đến biển Đông như lần này. Thậm chí các đại biểu yêu cầu Chính phủ có thái độ quyết đoán hơn. Ông có chia sẻ gì?
- Đúng là gần đây tình hình biển Đông có những căng thẳng theo chiều hướng gia tăng. Chúng ta đã thông qua Luật Biển năm 2012 và đang tiếp tục thực thi Luật Biển. Đối với các tranh chấp trên biển Đông thì lập trường của Chính phủ rất rõ ràng là phải giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước luật Biển 1982. Đó là các chính sách ngoại giao, còn ngư dân có quyền đánh cá trên các vùng biển của ta, Chính phủ tiếp tục bảo vệ ngư dân đánh cá một cách hợp pháp.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Nhiều cử tri cho rằng, biện pháp ngoại giao triển khai bấy lâu nay chưa đáp ứng được mong đợi, trong khi Trung Quốc ngày càng ngang ngược. Tại sao Việt Nam không khởi kiện lên Liên Hợp quốc hay có những biện pháp mạnh mẽ hơn?
- Chúng ta đang dùng tất cả các biện pháp để đấu tranh bảo vệ ngư dân. Đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và luôn được các nước sử dụng. Việc tranh chấp trên biển không chỉ ngư dân Việt Nam mà ngư dân các nước khác trong khu vực cũng đang gặp phải. Chúng ta dùng biện pháp ngoại giao và tất cả các biện pháp hòa bình có thể.
- Ý kiến đại biểu cho thấy báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông còn mờ nhạt, chưa đủ thông tin cử tri trông đợi. Ông nghĩ sao?
- Chính phủ sẽ có báo cáo bổ sung, tùy thuộc vào sắp xếp của Quốc hội sẽ có trong chương trình kỳ họp.
- Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham gia Đối thoại Shangri La phản ánh như thế nào sự quan tâm của Việt Nam tới các diễn đàn đa phương?
- Việt Nam đã tham gia diễn đàn này từ nhiều năm, nhưng năm nay, Thủ tướng là lãnh đạo cấp cao nhất của ta từng tham gia. Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia tất cả các diễn đàn khu vực một cách chủ động, tích cực, đó cũng là quan điểm của Việt Nam.
Thủ tướng tham gia với tư cách diễn giả chính và có một bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc, liên quan đến đường lối chính sách của Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ dự kiến cũng sẽ có một số cuộc gặp song phương. Chủ đề của Đối thoại Shangri-La là hòa bình, an ninh trong khu vực, bài phát biểu sẽ bàn đến tất cả các vấn đề liên quan, trong đó chắc là sẽ có vấn đề biển Đông.
Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội vừa được công bố ngày 29/5 nêu nhiều lo ngại về tình hình biển Đông. Theo đánh giá chung, công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ vững chủ quyền quốc gia, tạo được sự bình yên cho đất nước. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, Việt Nam chưa có chiến lược phát triển quốc phòng, an ninh, nhất là trên biển. Theo ý kiến các đại biểu, tình hình biển Đông đang diễn ra rất phức tạp, chưa có biện pháp cụ thể để kiểm soát toàn bộ. Trong khi đó báo cáo của Chính phủ lại chưa thể hiện rõ các nội dung về vấn đề này. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có báo cáo mới nhất về tình hình biển Đông để đại biểu nắm bắt, báo cáo cử tri; cần có đường lối ngoại giao đúng đắn, sáng tạo, để tránh những động cơ xấu của thế lực thù địch, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đồng thời cần tăng cường mối quan hệ với các nước láng giềng như Lào, Campuchia… Phản ánh nguyện vọng của cử tri, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có giải pháp quyết liệt trong vấn đề biển Đông, bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ; chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, cần xem xét thành lập công ty để cùng với ngư dân vươn xa bảo vệ biển, làm chỗ dựa cho ngư dân... "Có ý kiến đề xuất, cần đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có giải pháp quyết đoán hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc, phân biệt hành vi xâm phạm và xâm lược để xử lý phù hợp; thực hiện phòng thủ tốt. Đồng thời, cần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân nắm bắt được quan điểm của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quốc phòng, an ninh", báo cáo viết. |
Nguyễn Hưng ghi