Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam. Theo đó, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và suy thoái toàn cầu nhưng 3 năm qua Việt Nam vẫn tăng trưởng kinh tế 5,6% một năm. Kinh tế vĩ mô và tỷ giá đồng Việt Nam cũng ổn định, lạm phát được kiểm soát thành công...
"An sinh xã hội đảm bảo tốt, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, mỗi năm giảm 1,7-2% hộ nghèo, chính trị xã hội có thể nói là rất ổn định. Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, đầu tư công để hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế", Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đang thực hiện các chính sách trụ cột như đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế thị trường để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế như giao thông, viễn thông; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho sự phát triển; nâng cao năng lực quản trị của hệ thống hành chính phù hợp với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
"Rất mong các bạn ủng hộ cải cách ở Việt Nam. Điều này cũng tạo ra môi trường để các bạn đầu tư thành công ở Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắn nhủ các nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ. Ông bày tỏ hy vọng việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên "đối tác toàn diện" sẽ giúp quan hệ kinh tế hai nước có bước đột phá lên tầm cao mới, để Mỹ trở thành bạn hàng, nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: "Nhân đây tôi chân thành đề nghị các bạn khuyên Chính phủ Hoa Kỳ không nên phân biệt đối xử với hàng hóa của Việt Nam vì nó liên quan đến hàng triệu dân nghèo. Mong các bạn ủng hộ đòi hỏi rất chính đáng này".
Sau bài phát biểu, Thủ tướng đã có cuộc đối thoại cởi mở với hơn 50 doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực của Mỹ như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, công nghiệp, xuất nhập khẩu, dệt may, xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng... Đây là dịp để Thủ tướng giới thiệu về các chủ trương, chính sách của chính phủ Việt Nam, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp Mỹ là một hoạt động trong chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới New York, tham dự Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68, từ ngày 26 tới 28/9.
Trong thời gian ở New York, Thủ tướng cũng thực hiện một số hoạt động khác như gặp lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB); chào xã giao Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon; gặp lãnh đạo UNICEF, UNDP; tiếp xúc song phương với thủ tướng một số nước; trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ và nước ngoài; và đặc biệt là phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Đại hội đồng sẽ nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, thể hiện tinh thần Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên Hợp Quốc. Việc Thủ tướng đại diện cho Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 là nhằm tiếp tục triển khai đường lối hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 68 sẽ diễn ra đến hết ngày 01/10/2013. Đây là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và khởi động tiến tình xây dựng Chương trình nghị sự Phát triển của Liên Hợp Quốc sau năm 2015 và xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững với chủ đề được đề xuất là "Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015".
Trước khi tới Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phu nhân có chuyến thăm Pháp từ ngày 24 tới 26/9. Thủ tướng đã cùng người đồng cấp Jean - Marc Ayrault ký Tuyên bố chung nâng quan hệ Việt -Pháp lên tầm Đối tác Chiến lược.
Tiến Dũng - Nhật Nam