Trao đổi với VnExpress, trung tá Lê Văn Hải (Văn phòng Đại tướng) cho biết, để cảm ơn những đoàn khách tới nhân dịp sinh nhật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn phòng đã chuẩn bị sẵn các tấm thiệp để cảm ơn, trong đó có in hình chữ ký mới nhất của Đại tướng. Đây là bút tích của Đại tướng cách đây ít ngày.
"Dù tay run, nét không còn sắc như xưa song mọi người vẫn nhận ra đó là chữ ký của Đại tướng", trung tá Hải nói.
Cũng theo người thư ký của Đại tướng, nhờ sự chăm sóc của êkip y bác sĩ ở viện Quân y 108, sức khỏe ông vẫn ổn định, tinh thần minh mẫn. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội vào thăm, ông đều nhận ra. Tuần trước, nhân hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học lịch sử ở trường phổ thông (Đại tướng là Chủ tịch danh dự của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam) tổ chức ở Đà Nẵng, đích thân ông đã duyệt bức điện ngắn gửi tới hội thảo.
Tấm thiệp cảm ơn có in chữ ký mới nhất của Đại tướng. Ảnh: N.Hưng. |
"Đại tướng nhấn mạnh, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ là vấn đề vô cùng quan trọng đối với sự trường tồn và tương lai phát triển của dân tộc. Ông mong rằng, chất lượng việc dạy và học môn lịch sử ở cấp phổ thông sẽ có chuyển biến rõ rệt", trung tá Hải cho biết.
Cũng nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước sang tuổi 102, Hội Khoa học Lịch sử và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức cuộc gặp mặt với nhiều nhân chứng, nhiều nhà khoa học. Câu chuyện của những người từng có thời gian làm việc với Đại tướng đã được chia sẻ tại cuộc gặp gỡ. Biết được tình hình sức khỏe của ông, mọi người đều gửi lời chúc mừng.
Theo giáo sư Phan Huy Lê, so với nhiều thống soái trong lịch sử Việt Nam và thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những nét độc đáo. Trong số các vị tướng lừng danh trên thế giới, ông là người duy nhất còn có mặt trên trái đất, xuyên suốt gần cả thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21. Ông là nhà quân sự hiếm hoi không những chỉ huy cuộc kháng chiến mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm của chiến tranh để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại như "Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng", "Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân", "Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc".
Giáo sư Đặng Bích Hà và gia đình xúc động trước tình cảm của mọi người dành cho Đại tướng. Ảnh: N.Hưng. |
"Đã mấy lần trong trao đổi thân tình, ông nói với chúng tôi, hiểu biết và tư duy sử học giúp ông rất nhiều trong chỉ huy kháng chiến. Theo ông, có sự gặp nhau giữa quân sự và sử học là phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn nhận đúng sự thật dù cho là sự thật cay đắng, đau xót, là phải xem xét mọi sự việc trên quan điểm lịch sử với sự vận động biện chứng của nó", giáo sư Lê kể.
Gói ghém tình cảm qua vài câu thơ, trung tướng Phạm Hồng Cư ngâm nga: Hơn một trăm xuân sống trên đời / Anh đã hoàn thành nhiệm vụ Bác Hồ trao / Cầm quân biến chiến công thành huyền thoại / Đảng tin, dân mến, thế giới chào... Còn giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học chia sẻ, trong nhà ông luôn có hình ảnh hai vị danh tướng là Hưng Đạo Đại vương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Đáp lại tấm lòng của mọi người, giáo sư Đặng Bích Hà (Phu nhân Đại tướng) nói, Đại tướng là người rất khiêm tốn, ông không muốn nói nhiều về mình. "Thay mặt chồng tôi, tôi xin gửi lời cảm ơn tới mọi người. Những tình cảm, gửi gắm tôi sẽ nhắn lại với ông ấy", giáo sư Hà cho biết thêm.
Nguyễn Hưng