Tại Nam Định, trưa 7/8 trời bắt đầu mưa to, gió đang mạnh dần lên. Xác định là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, 3 phó chủ tịch tỉnh đã về 3 huyện ven biển là Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Theo ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 14h chiều 7/8, toàn bộ 2.100 tàu của tỉnh và 14 tàu của Thanh Hóa đã vào nơi trú tránh. Gần 1.600 người trên các lồng bè thủy sản cũng đã vào bờ. Riêng dân cư các vùng ven biển tùy tình hình thực tế sẽ được di dời sau.
"Khi đi kiểm tra đê biển xung yếu, chúng tôi phát hiện sự cố dò đê bối ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, do bị sóng biển đánh. Việc xử lý đến nay đã xong", ông Thắng thông tin.
Trước đó sáng 7/8, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Tuấn đã có công điện khẩn yêu cầu hoãn tất cả cuộc họp để tập trung chỉ đạo phòng chống bão; cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Chủ tịch chỉ đạo đưa người ở chòi canh, đầm nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú; sơ tán dân ngoài đê, vùng cửa sông, ven biển; ngừng hoạt động du lịch, tắm biển. Mọi công việc sơ tán dân phải xong trước 14h ngày 7/8.
Hệ thống loa phát thanh của tỉnh được yêu cầu liên tục phát bản tin bão. Lãnh đạo các xã, phường, thị trấn phải xuống hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình công cộng. "Điện lực Nam Định kiểm tra lưới điện, có phương án đảm bảo chất lượng nguồn điện phục vụ yêu cầu tiêu úng", công điện nêu rõ.
Tại Thanh Hóa, từ 10h sáng bắt đầu có mưa to, nhưng không liên tục. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, đến trưa 7/8, tỉnh vẫn còn 137 phương tiện với 411 lao động đang hoạt động trên biển. Qua hệ thống đài trực canh và hệ thống thông tin liên lạc, Thanh Hóa đang khẩn trương kêu gọi số tàu này vào nơi tránh trú bão.
Khu vực 6 huyện ven biển của Thanh Hóa có hơn 2.100 chòi canh và lồng bè của nhân dân, mỗi chòi có 1-2 lao động canh giữ. Các đồn biên phòng đang phối hợp với địa phương kêu gọi số lao động nói trên vào bờ.
Xác định Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng rìa phía nam của bão, trên địa bàn sẽ có một đợt to, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu tất cả huyện, thị xã ngừng việc cấp nước tưới, chủ động tiêu nước đệm, đồng thời tổ chức kiểm tra hồ chứa. Trong sáng 7/8, Thanh Hóa đã thành lập các đoàn đi kiểm tra đê xung yếu.
Trong khi lãnh đạo tỉnh quyết liệt chống bão thì theo ghi nhận của VnExpress, đến 15h chiều 7/8, ở một số xã ven biển của huyện Hậu Lộc, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan. Nhiều hàng quán ven đê vẫn mở cửa kinh doanh, một số tàu thuyền chưa vào nơi neo đậu.
Tại Ninh Bình, nơi có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, đến 14h ngày 7/8, các bến đò ngang đã tạm dừng hoạt động cho đến khi bão tan. Việc sắp xếp tàu huyền vào nơi neo đậu cũng đã cơ bản hoàn thành. Hiện tại huyện Kim Sơn còn 16 tàu thuyền với 33 ngư dân đang hoạt động ở ven biển Ninh Bình, Thanh Hóa.
Trong công điện sáng 7/8, Chủ tịch tỉnh Bùi Văn Thắng đã chỉ đạo di dân khu vực ngoài đê Bình Minh II và di dân ra khỏi vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú bão an toàn xong trước 14h ngày 7/8. Tại các tuyến đê điều, hồ đập, địa bàn trọng điểm xung yếu đang được tuần tra, bảo đảm an toàn.
Tại Thái Bình, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho hay, gần 1.200 tàu bè cùng 1.800 lao động ở trên các tàu, chòi canh nghêu đã vào nơi trú tránh an toàn. Tỉnh đã đưa ra phương án di dân khu vực trọng điểm tại các huyện ven biển như Thái Thụy, Tiền Hải và thực hiện xong trước 17h ngày 7/8.
Ảnh hưởng của bão Mangkhut, 14h chiều Hà Nội bắt đầu có mưa, gió mạnh khoảng cấp 3. Mưa không liên tục mà theo từng cơn.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hoàn lưu bão Mangkhut đã khiến ven biển miền Trung và các đảo ven bờ có gió mạnh từ cấp 5 tới cấp 7, như: Bạch Long Vĩ, Hòn Ngư (Nghệ An); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa, một số nơi mưa lớn, như Hà Tĩnh 85 mm; Kỳ Hợp (Hà Tĩnh) 190 mm, Kỳ Lạc (Hà Tĩnh) 200 mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 100 mm…
Bão hiện vẫn di chuyển dọc ven biển Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 8, đầu cấp 9 (tối đa 88 km/h). Khả năng 21-22h đêm nay sẽ đi vào đất liền các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ - Thanh Hóa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Lê Hoàng - Nguyễn Hưng