Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, trong tháng 1, Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Tuấn Anh đã làm việc và đề nghị tỉnh Hà Giang thực hiện dự án tu bổ di tích phố cổ Đồng Văn. Giữa tháng 7, Hà Giang đã gửi dự án tới Cục Di sản để thẩm định chuyên môn.
"Chúng tôi ưu tiên lựa chọn những hạng mục xuống cấp nặng nhất, đặc biệt là nhà dân đang sinh sống. Bộ cũng xem xét hỗ trợ kinh phí để tỉnh có thể triển khai tu bổ ít nhất 3-4 tỷ đồng, trong tổng vốn hàng chục tỉ đồng bảo tồn cho phố Đồng Văn", ông Hùng cho biết.
Lãnh đạo Cục di sản cho biết, ông chưa nhận được đề nghị nào của người dân đề nghị tu bổ. Sau khi dự án bảo tồn được phê duyệt, chính quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sửa chữa nhà cửa theo hồ sơ thiết kế.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho hay, quá trình bảo tồn các di tích đòi hỏi thời gian nhất định, đầu tư không chỉ của nhà nước mà còn của cộng đồng địa phương. Như tại phố cổ Hội An, người dân tham gia vào bảo tồn các di tích và thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm.
Mới đây, một số người dân phố cổ Đồng Văn muốn trả lại danh hiệu di tích cấp quốc gia bởi việc bảo tồn phố cổ đã được chính quyền đặt ra từ lâu song không thực hiện. Trong khi đó, nhà cửa hư hỏng dần, điều kiện sống của dân ngày một khó khăn.
Phố cổ Đồng Văn là một công trình kiến trúc cổ độc đáo với những khu nhà cổ, khu thương mại hình thành cách đây hơn 100 năm. Khu phố có quy mô không lớn song có những sắc thái riêng biệt độc đáo và mang bản sắc riêng của cư dân vùng cao nguyên đá nơi biên cương của Tổ quốc.
Cuối tháng 4, người dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia.
Đoàn Loan