- Mặc dù Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống thoát nước, tại sao có nơi vẫn bị úng ngập vài ngày khi mưa lớn?
- Hà Nội được bao bọc phía bắc là sông Hồng, tây nam là sông Nhuệ, có độ dốc thấp, nằm trong sông nên khả năng tiêu thoát nước hạn chế. Quy hoạch thoát nước năm 1995 do Nhật Bản xây dựng chia làm 2 lưu vực, từ sông Hồng đến sông Tô Lịch và từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ. Hà Nội mới thực hiện dự án thoát nước trong khu vực nội đô giới hạn từ sông Tô Lịch tới sông Hồng.
Thoát nước của 2 lưu vực là khác nhau. Khi mưa nhỏ, nước sẽ chảy theo 4 con sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu theo cửa đập Thanh Liệt xả ra sông Nhuệ. Trường hợp mưa lớn, mực nước sông Nhuệ cao lên do ngoại thành bơm tiêu vào thì phải đóng cửa đập Thanh Liệt lại và bơm cưỡng bức nước từ nội đô ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở.
Trước đây năm 1994 có trận mưa khoảng 220 mm, Hà Nội ngập đến 2 tuần. Dự án thoát nước giai đoạn 1 đã giúp Hà Nội cải thiện tình trạng úng ngập đáng kể, điển hình là trận mưa lịch sử năm 2008, nếu không có trạm bơm Yên Sở thì thành phố có thể ngập hàng tháng. Với trận mưa 290 mm cách đây mấy ngày, hầu hết nội đô đều rút nước trong vài giờ, chỉ có khu vực phía tây nằm ngoài phạm vi dự án bị úng ngập nặng vài ngày.
- Tại sao cơn mưa vừa qua cũng khiến trung tâm thành phố như hồ Gươm úng ngập nhiều giờ?
- Hoàn Kiếm là hồ cảnh quan, không tham gia điều hòa nước. Hồ này vì nhiều lý do nên chỉ nạo vét để chống ô nhiễm, chưa phải nạo vét để tiêu nước. Mưa lớn trong hơn 2 ngày lên đến 290 mm tùy khu vực, việc tiêu thoát của hồ Gươm phụ thuộc vào tuyến cống trong khu phố cổ, trục chính là Phan Chu Trinh, Lò Đúc. Hiện tuyến cống này rất hẹp, trong dự án đang làm có 2 cống hộp đường kính 2,6 m, khi hoàn thành sẽ giải quyết tiêu thoát trong khu vực này.
- Hà Nội đô thị hóa mạnh ở phía tây, tại sao không cải tạo hệ thống thoát nước tại đây?
- Khu vực Keangnam, Mỹ Đình dù là khu đô thị song trục thoát nước vẫn là trục tưới tiêu nông nghiệp, nằm ngoài dự án thoát nước của Hà Nội. Khu vực này có nhiều khu đô thị to đẹp song hệ thống thoát nước vẫn chưa được đầu tư, nên thường xuyên bị ngập khi mưa lớn.
Khu vực này đang xen kẹt giữa đô thị và nông nghiệp, theo quy hoạch thì cần có hệ thống thoát nước song cái chính là nguồn kinh phí như thế nào. Chúng tôi đã trình Chính phủ cho phép thực hiện dự án giải quyết tiêu thoát cho lưu vực sông Nhuệ, có thể dùng vốn dư của dự án thoát nước giai đoạn 2. Sơ bộ cần khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư, gia cố thân đê sông Nhuệ và các công trình đầu mối, kênh, cống nối vào khu đô thị, nâng cấp 4 trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông, Mễ Trì, Ba Xá.
Hiện nay Công ty thoát nước Hà Nội đã vay vốn nước ngoài đầu tư nâng cấp mấy trạm bơm song để thoát nước hiệu quả cần đồng bộ toàn bộ hệ thống. Bài bản nhất là cần đầu tư hạ tầng khu đô thị như: xử lý nước thải, thoát nước, đường sá... trước khi xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, chúng ta đã có khu Bắc Thăng Long Vân Trì được đầu tư đồng bộ đường, điện, thoát nước mưa, xử lý nước thải bằng vốn ODA song đô thị đó lại không phát triển.
- Ông khuyến cáo người dân khu vực nào sẽ bị úng ngập khi Hà Nội có mưa lớn?
- Trong phạm vi dự án từ sông Tô Lịch hắt vào nội đô thì không bị úng ngập vài ngày nữa mà chỉ mất vài giờ. Khu vực phía tây từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ, các khu đô thị dọc vành đai 3 sẽ vẫn bị úng ngập nhiều. Thực tế, chỉ những cơn mưa cường độ 50-70 mm cũng khiến nhiều khu vực Mỹ Đình, Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Xa La... bị ngập, bởi hệ thống thoát nước mới có trong các khu đô thị còn các trục chính tiêu nước ra sông vẫn còn khó khăn.
Mỗi người dân nên hiểu là đầu tư cho giáo dục, y tế cần nhiều, trong khi mưa lớn một năm chỉ mấy tháng. Các nước Anh, Mỹ, Pháp cũng bị ngập khi mưa lớn, Trung Quốc cũng có đầu tư nhiều song vẫn có úng ngập.
- Ông đánh giá ra sao về khả năng ngập úng nội đô Hà Nội sau năm 2015 khi dự án thoát nước kết thúc?
- Dự án thoát nước giai đoạn 1 với kinh phí 2.700 tỷ đồng, đã cải tạo 4 con sông, 6 hồ điều hòa trong đó có hồ Yên Sở 130 ha, có khả năng chứa 4 triệu m3 nước, xây dựng trạm bơm Yên Sở công suất 45 m3/giây, một số tuyến cống, cửa đập.
Dự án thoát nước giai đoạn 2 với tổng kinh phí gần 9.000 tỷ, nâng công suất trạm bơm Yên Sở lên 90 m3/giây, nạo vét 13 hồ để tăng dung tích điều hòa. Hiện còn các hồ như Khương Trung 1, 2, Định Công, Phương Liệt, Tân Mai đang được giải phóng mặt bằng. Hạng mục quan trọng nữa là các tuyến kênh mương nối từ cống ra sông dài khoảng 20 km là các tuyến từ thời Pháp để lại. Qua thời gian, tuyến kênh mương bị bồi lấp, rác thải nên cần khơi thông.
Theo tôi, dự án thoát nước giai đoạn 2 hoàn thành năm 2015 sẽ có hiệu quả cao trong tiêu thoát cho nội đô. Tuy nhiên, nếu xác định đô thị mưa lúc nào thoát lúc đó thì rất khó, ngay khi thoát nước đô thị được hoàn thiện nếu không quản lý tốt vẫn bị úng ngập do người dân bỏ rác, lấn chiếm mương sông.
Đoàn Loan thực hiện