
Đã 15 năm nay, cứ đến mùa thi là căn nhà của bà Trần Thị Bé (quận 4, TP HCM) lại đông vui nhộn nhịp khác thường bởi có cả chục thí sinh từ các tỉnh thành "lên kinh ứng thí" được bà đón về chăm sóc. Trong khoảng 80 m2, một số sĩ tử mới đến đang loay hoay sắp xếp lại đồ đạc và dọn riêng cho mình một góc nhỏ để ôn bài. Mỗi đợt thi bà Bé đón gần 50 học trò, nhiều khi còn cả phụ huynh của họ nên căn nhà trở nên khá chật chội, song ít khi ngớt tiếng cười nói của chủ lẫn "khách".
“Nhà của tôi cũng không lớn lắm nhưng thấy tụi nhỏ từ dưới quê lên thành phố ngơ ngơ ngác ngác vì lạ nước lạ cái thì thương lắm. Giúp được đứa nào thì cứ giúp cho tụi nó đỡ cực”, bà Bé nói và cho biết gia đình bà chỉ có hai ông bà với người con trai. Từ khi các học trò đến trọ, cả ba người dọn vào ở phòng nhỏ phía cuối nhà, nhường phòng khách và phòng ngủ cho mấy đứa.
"Vậy mà có khi đông quá chúng nó chui lên ngủ với vợ chồng tôi luôn. Vợ chồng tôi già cả rồi, không còn lo được từng bữa cơm cho các cháu như những năm trước. Nhưng thương tụi nó phải học ngày học đêm nên thỉnh thoảng chúng tôi lại nấu nồi cháo thịt cho tụi nhỏ ăn khuya, lót bụng để lấy sức mà ôn thi", chồng bà Bé cho biết thêm.
Còn với ông Trần Ngọc Anh (quận Bình Thạnh, TP HCM), mùa thi đại học - cao đẳng năm nào cũng trở thành mùa vui của ông. Gần 20 năm đồng hành cùng sĩ tử, người thầy giáo về hưu này không thể nhớ hết số thí sinh đã từng được ông cưu mang.
Mỗi năm cứ vào khoảng thời gian này ông lại tất bật chuẩn bị từng tấm mền, từng cái chiếu, rồi dọn dẹp lại nhà cửa để “khách” có thể cảm thấy thoải mái. Mỗi buổi sáng ông đi chợ thật sớm, tự tay chọn những thứ ngon nhất về nấu ăn cho gần 20 thí sinh đang ở nhà mình. Sống với bà mẹ đã già, nên mọi chuyện cơm nước của tụi nhỏ một tay ông phải lo hết, từ gọt mướp nấu canh đến làm thịt gà kho, đậu xào… ông đều làm thoăn thoắt không chút nề hà. “Mình là dân thành phố, phải cho tụi nhỏ biết dân thành phố cũng hiếu khách như ở quê vậy. Làm lâu thành thông lệ, giờ mà không có chúng nó cứ thấy buồn buồn, thiếu thiếu”, ông Anh nói bằng giọng hào sảng.
Không những thế, ông còn chu đáo chuẩn bị cả thùng sữa, mua liền mấy nải chuối để mấy đứa nhỏ ăn thêm lúc đói lòng. Nhà có khá nhiều phòng nhưng ông chỉ sinh hoạt ở phòng ngủ của mình còn lại nhường cho các sĩ tử. Có khi đông quá ông dẫn mấy đứa lên cả phòng thờ để nghỉ ngơi. Mấy anh chị em của ông sống gần đấy cũng chung tay "tiếp sức mùa thi” khi người thì góp gạo, người cho thùng mì.
Ông kể, mùa thi năm trước có một thí sinh từ miền Tây tìm đến nhà ông. Trước đó cậu bị tai nạn đa chấn thương, rất khó ăn uống. Vì nhà nghèo nên khi lên thành phố mẹ cậu chỉ chuẩn bị cho con mấy chục gói cháo ăn liền. Thương cậu học trò không đủ sức học nên ngoài việc nấu ăn cho các thí sinh, ông còn tranh thủ nấu cháo riêng cho cậu, thay đổi mỗi ngày cho khỏi ngán. Hay cũng có những thí sinh khi lên Sài Gòn bị mất hết tiền bạc, ngoài việc được ông cưu mang, khi họ về ông còn phải cho thêm tiền. "Như thế mới an tâm được", người giáo già nói.

“Là lần đầu tiên vào Sài Gòn, em và cả gia đình đều lo lắng vì trong này không có bạn bè, người quen. Lúc đi, nhà hết tiền mẹ phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền xe và một ít tiền để ăn ở. Vào tới bến xe được các anh chị sinh viên tình nguyện dẫn tới nhà chú Anh, được ăn ở miễn phí nên em rất yên tâm để thi”, em Nguyễn Đình Thông, một thí sinh đến từ Nghệ An tâm sự.
Ngoài hàng chục người dân thành phố, năm nay, nhiều trường học cũng chung tay "tiếp sức" thí sinh trong kỳ thi đại học, cao đẳng. Trong đó, 30 phòng học rộng rãi, thoáng mát với khoảng 600 chỗ ở của trường cấp 2, 3 Ngọc Viễn Đông (quận 12) đã được dọn dẹp sạch sẽ cho thí sinh lưu trú. “Mấy đứa mới lên thành phố, mùa thi rất dễ bị chặt chém, mình giúp được gì thì cứ giúp thôi”, thầy Võ Thanh Vân, chủ tịch HĐQT của trường chia sẻ. Thầy cũng cho biết sẽ cùng các bạn sinh viên tình nguyện hỗ trợ các em những vật dụng cần thiết và đi lại trong ngày thi. Hàng loạt ký túc xá của rất nhiều trường khác cũng mở rộng cửa, sẵn sàng đón các thí sinh và phụ huynh khi lên thành phố.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều tấm lòng khác của người dân sẵn sàng hỗ trợ thí sinh, từ nơi ăn chốn ngủ cho đến những chuyến xe đưa rước miễn phí của các bạn tình nguyện viên, hay của những người dân tình nguyện làm xe ôm miễn phí. Tổng cộng, năm nay, TP HCM có hơn 9.000 chỗ trọ, 60.000 vé xe buýt miễn phí, cùng với 15.000 tình nguyện viên sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ các thí sinh và phụ huynh trong các đợt thi.
Nguyễn Loan