18h tối, trời thu se lạnh khắp nẻo đường, góc phố Hà Nội, dòng người vẫn xếp hàng dài dọc đường Hoàng Diệu. Nhận được thông báo hết giờ vào viếng nhưng không ai chịu rời hàng. Những bó hồng, bông cúc nằm nguyên trên tay, cả đoàn người cố ngóng về phía cánh cổng vừa đóng kín để mong các chiến sĩ canh gác cho phép mình vào. Phía ngoài, thanh niên tình nguyện đứng xếp hàng dài, nắm tay nhau tạo thành một hàng rào để đảm bảo trật tự.
Ảnh người dân trước nhà Đại tướng trong đêm
Một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho xe đưa học sinh qua đây khi vừa tan trường. Những khuôn mặt ngây thơ quàng khăn đỏ, tay cầm hoa đứng xếp hàng ngay ngắn dù bóng tối đã buông. Lực lượng bảo vệ nhanh chóng tổ chức cho các em vào viếng từ cổng phụ dù đã hết giờ theo thông báo. Tất cả những người đứng ngoài đồng loạt giơ tay xin vào khi nghe câu hỏi "Ai muốn vào thì giơ tay ạ". Một số người dân đứng chờ từ chiều là những vị khách cuối cùng được bước chân vào ngôi nhà Đại tướng trong ngày hôm qua.
Nhiều người vượt cả trăm km từ tỉnh xa tới Hà Nội nhưng muộn giờ đành đứng ngoài, nước mắt chảy dài trên má. Chàng trai Đặng Ngọc Quang (26 tuổi) lặng lẽ dựa vào cánh cổng sắt, mắt hướng vào bên trong. Khi chiến sĩ canh gác ra hiệu mời đi, Quang lại đứng dựa gốc cây xà cừ để trông rõ ngôi nhà.
Chàng trai người dân tộc Dao này hay tin Tướng Giáp qua đời đã vội vã bắt xe khách đi hơn 200 km từ Sơn Dương (Tuyên Quang) xuống thủ đô. Tới Hà Nội lúc 17h chiều, cậu đi xe ôm nhưng đến nơi thì cũng hết giờ thăm viếng.
Quang mồ côi cha mẹ, cũng không còn ông bà. Biết đến cuộc đời tướng Giáp qua câu chuyện kể của các cụ già trong làng cùng việc đọc sách báo, chàng trai thầm ngưỡng mộ vị tướng tài ba đã lâu. "Em không biết nói gì, chỉ biết Người là anh hùng, cả cuộc đời hy sinh cho dân tộc, cho nhân dân", Quang nói với giọng đầy ngưỡng mộ và tự hào.
Từ lúc xuống xe, Quang chưa ăn gì, lúc đi cũng chỉ kịp dắt túi vài trăm nghìn đồng và bỏ balo mấy bộ quần áo. Xuống thủ đô không người thân thích, tối nay chưa biết ngủ đâu, nhưng "chưa được vào cúi lạy bác thì em nhất quyết chưa về Tuyên Quang", chàng trai nói rồi tiếp tục chắp tay đứng lặng trước ngôi nhà, mặc cho xung quanh từng đoàn người lục tục kéo nhau ra về.
Hai ngày hôm nay, bà Trần Thị Trương luôn có mặt ở đây từ rất sớm và thường ra về khi đã quá nửa đêm. Dù được vào viếng Đại tướng từ chiều 6/10 nhưng ăn cơm xong là bà lại đến, hòa vào dòng người thăm viếng. Hơn 22h đêm nhưng người phụ nữ 50 tuổi vẫn chưa chịu về, mặc gió lạnh và sương đêm. Hôm trước bà ở đây tới hơn 3h30 sáng, chỉ chịu về khi con gái tới đón vì lo cho sức khỏe của mẹ.
Bà ở Đồng Hới, Quảng Bình, cùng quê với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tối 4/10, nhận được điện thoại con gái báo "Bác Giáp mất rồi, mẹ ơi", chân tay bà rụng rời, nước mắt chảy tràn như ngày người cha thân yêu ra đi cách đây gần chục năm. Sáng hôm sau, bà Trương bỏ dở chuyến công tác Nha Trang và đáp máy bay ra Hà Nội để được viếng Người lần cuối.
Bà kể, năm 1997 từng vinh dự được nhìn thấy tướng Giáp khi Người về thăm quê hương Quảng Bình. Nhưng hồi đó nhút nhát quá nên không dám đến gần nói chuyện, chỉ thầm ngưỡng mộ qua lời kể của người cha quá cố, vốn là lính Sư đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn).
"Đó là điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời con. Sau này bác về an nghỉ nơi quê nhà, con và nhiều người dân Quảng Bình sẽ có dịp tới thăm bác thường xuyên, bác ơi", người phụ nữ hướng về phía ngôi nhà, khóc nấc khiến nhiều người xung quanh không kìm được nước mắt. Bà bảo sẽ ở lại Hà Nội cho đến ngày tổ chức lễ tang và tiễn đưa Võ Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong bộ quần áo quân nhân đã bạc màu, người đàn ông quê Hưng Yên công kênh con trai mới 6 tuổi trên vai. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, cha con cùng hướng vào ngôi nhà và chắp tay tỏ lòng thành kính. Ông cố đợi con trai tan học buổi chiều rồi phóng vội xe máy từ quê lên Hà Nội, chỉ mong được vào viếng Đại tướng nhưng không kịp giờ.
Hai cha con đứng bên cánh cổng hồi lâu, sau ông đành tìm chỗ khuất, dặn dò con trai cầu khấn Đại tướng để còn về sáng mai cho con đi học. "Cha tôi và tôi từng là người lính. Chúng tôi quỳ lạy trước người lính vĩ đại nhất mà chúng tôi tôn thờ", nói rồi, ông vội vàng dắt con trai qua bên đường, về quê ngay trong đêm.
Khu trông xe miễn phí không làm việc ban đêm, hàng dãy dài xe của người dân được xếp ngay ngắn trên vỉa hè. Nhiều người dân không xếp hàng ban ngày được, đành tranh thủ ban đêm qua đây. Một số không biết giờ quy định vào viếng nên ngậm ngùi nhờ các chiến sĩ chuyển hoa vào trong. Từ cổng vào, những bó hoa của nhân dân khắp mọi miền đất nước được xếp hàng dài, ngay ngắn dọc lối đi.
Qua 12h đêm, hàng trăm người dân vẫn đứng trước căn nhà 30 Hoàng Diệu. Những bông hoa mang đến viếng bắt đầu rũ lá, nhưng bàn tay người cầm thì vẫn bấu chặt hàng rào sắt không rời.
Hoàng Phương
Video: Thanh Tùng