Thức dậy từ 3h sáng theo phiên chợ họp ven biển, những phu nước ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lại tất tưởi với đôi quang gánh múc nước theo những đợt sóng ùa vào từ biển. Rồi họ thoăn thoắt gánh tới chợ, nơi những tiểu thương vừa mua được mẻ cá tôm, đổ nước vào chậu, chao qua chao lại mớ hải sản cho sạch cát.
Đồ nghề chỉ vỏn vẹn là đôi quang gánh và hai chiếc thùng được cắt ra từ những chiếc can cũ, phu nước chọn cho mình "những mối hàng" để làm việc, tranh thủ chuyện trò với nhau những lúc rảnh tay, chứ không có chuyện tranh giành "địa bàn". "Không có vốn đi buôn mới phải chọn cái nghề cực khổ này!", người phụ nữ với khuôn mặt sạm đen vì nắng gió miền biển, nói.
Vào nghề gần 10 năm nay, bà Ngô Thị Á (53 tuổi, trú tổ 6G) cho biết từng là dân vạn đò sống lênh đênh trên biển, ngày ngày phụ chồng đánh cá. Khi được thành phố vận động lên bờ, vợ chồng bà dồn hết số tiền tái định cư hơn 80 triệu đồng để cất căn nhà tạm gọi là khang trang trên nền đất mua chịu 66 triệu đồng. Chồng đi biển nhưng không đủ nuôi năm đứa con, bà ra chợ cá này gánh nước thuê.
Tai họa ập xuống khi chồng bà, ông Nguyễn Lân tai biến mạch máu não, khó khăn lắm mới có thể đi lại khó nhọc trong nhà. Số tiền gần 60 triệu đồng gia đình dành dụm được đi theo những cơn đau của ông. Dù gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng số tiền hỗ trợ hàng tháng cũng không giúp bà Á thoát khỏi cảnh ăn bữa nay lo bữa mai. Mỗi lần ông Lân lên cơn đau, bà lại chạy vạy vay mượn lo thuốc thang cho chồng.
Chắt bóp từ nghiệp phu nước, một tay bà Á dựng vợ, gả chồng cho con trai cả và cô con gái thứ. Khổ nỗi, các con bà cũng không thoát khỏi cảnh nghèo túng. Thương mẹ, cậu con trai thứ ba đi làm thuê cho các tàu đánh cá, nhưng thu nhập bấp bênh. Cô em gái Nguyễn Thị Thuận thì đành bỏ dở lớp 10 vì sợ mẹ không kham nổi. Bà Á lại tảo tần với đôi quang gánh và đôi chân trần lo cho con gái út học cấp 3.
Ba ngày trước, Thuận vừa xin được công việc tạp vụ ở một cửa hàng ăn uống thì bị tai nạn giao thông ngay dưới chân cầu Rồng, phải nhập viện điều trị với chấn thương ở đầu. "Cũng may con tôi còn sống. Tài xế ôtô lái xe bỏ trốn nên gia đình sẽ phải lo tiền viện phí. Lo chăm cháu nên tôi không còn thời gian gánh nước thuê", bà Á nói.
Clip: Bà Á gánh nước thuê nuôi chồng bệnh
Cùng với bà Á, 4 phụ nữ gánh nước thuê ở chợ cá tự phát này đều đã luống tuổi và cùng chung cảnh nghèo. Họ bất kể trời mưa gió, hay nắng rát bỏng chân, chỉ sợ những hôm ít tôm cá, bởi khi đó ít việc, tiền công không đủ đong gạo. Quãng đường gánh nước từ biển lên đến chợ chừng hơn 20m. Cả công gánh nước và phụ rửa hải sản cho tiểu thương, mỗi người kiếm được chừng 50 ngàn đồng mỗi ngày. "Tính ra mỗi gánh nước chưa đến 1.000 đồng", bà Á nói.
Chiều đến, bà Á lại quẩy đôi quang gánh ra ven đường Hoàng Sa để phụ các tiểu thương phân loại, rửa hải sản. Trước đây, khi chưa có nước máy ven đường, bà vẫn gánh nước từ dưới biển băng qua bãi nóng và mặt đường nhựa với khoảng 100m cả đi lẫn về. "Dậy sớm gánh nước, vai và chân mõi rã rời, nhưng nghĩ đến gia đình nên phải gắng sức làm", bà tâm sự.
Bà Ngô Thị Nhất (60 tuổi, trú tổ 6E) không có chồng, bà liều đi xin con để có chỗ nương tựa về già nhưng rồi con bà cũng không dư dả gì. Còn bà Nguyễn Thị Học (64 tuổi) ở góa nuôi con 16 sau năm nay khi người chồng đi biển gặp nạn. "Để kiếm thêm thu nhập, đã ra chợ ai thuê gì chúng tôi làm việc đó", bà Nhất nói. Sau buổi gánh nước buổi sáng, bà Nhất lại lên núi Sơn Trà đốn củi khô mang bán. Nhiều khi không có tiền trong túi, bà đành nhịn đói.
Cái nghề tưởng chừng đơn giản nhưng cũng khó tránh khỏi bệnh tật. Chị Nguyễn Thị Ưng (46 tuổi), bán hàng ăn sáng ở chợ cá này cho biết, mới đây bà Côi làm nghề gánh nước thuê, do đi chân đất nên bị vỏ ốc cứa chảy máu. "Chân bị nhiễm trùng, bà Côi phải vào bệnh viện mổ. Số bà ấy cũng không chồng, một mình nuôi con nên mọi người ở chợ cá này lại góp tiền cho bà ấy đi phẫu thuật", chị Ưng kể.
Nhiều người đoán chắc khi ra viện bà Côi sẽ bỏ nghề. Nhưng chỉ mấy hôm sau đã lại thấy bà quẩy đôi quang gánh ra phiên chợ sớm.
Nguyễn Đông