Quán bar, vũ trường đang là điểm nóng của mại dâm trá hình. Ảnh: N.Đ |
Ngày 18/1, tại hội thảo tình hình mại dâm và các giải pháp quản lý, giúp đỡ người bán dâm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2013-2015, ông Lê Văn Quý, Phó chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố cho biết, tệ nạn mại dâm trên địa bàn năm qua diễn biến phức tạp, hoạt động dưới nhiều hình thức kinh doanh trá hình, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, gây bức xúc cho cộng đồng.
"Số gái mại dâm bị đưa vào cơ sở chữa bệnh giảm hơn 36% so với năm 2011. Tuy nhiên sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, quy định không quản lý hay đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh thì tệ nạn mại dâm ở thành phố đang phức tạp trở lại", ông Quý đánh giá.
Cũng theo Phó chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, người bán dâm thường ở các tỉnh khác đến TP HCM hành nghề, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Thống kê của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Phú Nghĩa, năm 2012 đưa vào cơ sở chữa bệnh 65 người bán dâm thì 43 người không có hộ khẩu ở thành phố.
"Mại dâm là sự bóc lột nhân phẩm phụ nữ, thể hiện sự bất bình đẳng giới nghiêm trọng, xâm phạm thuần phong mỹ tục, không thể coi là một nghề. Việc phòng chống mại dâm phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay và những năm tới", ông Quý nhấn mạnh.
Đóng góp ý kiến về các giải pháp phòng chống tệ nạn mại dâm trong thời gian tới, một cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 5 đề xuất dù Luật doanh nghiệp không quy định hạn chế lao động, nhưng với những ngành kinh doanh nhạy cảm như karaoke, nhà hàng nên chăng giới hạn số lượng tiếp viên để đề phòng mại dâm, gái gọi đường dài. "Mỗi nơi chỉ nên có 5-30 tiếp viên, mặc áo dài. Nhiều chỗ khi kiểm tra có đến hơn 60 tiếp viên nữ ăn mặc hở hang ngồi túm tụm không làm gì", ông này cho hay.
Mại dâm đang là nguyên nhân lây lan HIV nhiều nhất, chiếm đến 65%. Ảnh: A.N. |
Cùng quan điểm, đại diện quận Bình Thạnh cho rằng cần có sự thống nhất trong việc cấp phép kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Hiện nay Sở Kế hoạch Đầu tư chỉ cấp phép kinh doanh theo Luật doanh nghiệp mà không thông qua địa phương nên việc phòng chống mại dâm rất khó khăn. Nhiều cơ sở vi phạm, sau khi kiểm tra, xử lý xong thì lại đổi tên khác để đăng ký, tiếp tục kinh doanh ngay chỗ cũ. "Chỉ có địa phương mới nắm được những ai từng vi phạm. Địa bàn nào có nhiều tệ nạn thì không nên cấp phép", vị này đề xuất.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Huệ, cán bộ Ủy ban Phòng chống AIDS TP HCM, qua khảo sát thống kê, hiện có hơn 15.000 gái mại dâm "hành nghề" trên địa bàn. "Lượng gái mại dâm không tăng thêm như đánh giá của các cơ quan chức năng mà họ di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác. Chẳng hạn như tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh giáp ranh giữa quận 10 và quận 5, mỗi khi truy quét ở quận này thì họ lại chạy sang quận kia", bà Huệ nói.
Cũng theo bà Huệ, để giảm bớt tệ nạn mại dâm cần có sự trợ giúp từ cộng đồng cũng như giải quyết việc làm cho những người từ bỏ nghề vì thống kê cho thấy tỷ lệ mù chữ, học vấn thấp chiếm đến gần 40%. Với trình độ này họ rất khó kiếm được việc làm. "Có một con số đáng báo động là nếu trước đây tiêm chích ma túy là con đường chủ yếu lây lan HIV thì nay mại dâm lại là nguyên nhân chính của căn bệnh này, chiếm đến 65%", bà Huệ cảnh báo.
Hữu Nguyên