Trong phòng học mát mẻ, đủ ánh sáng trên tầng 4, gần 40 học sinh chăm chú dõi theo từng bài vẽ được một chị sinh viên đang nhận xét. Đứng trên bục giảng, cô gái trẻ cầm từng bức vẽ rồi chỉ ra điểm mạnh và những lỗi học sinh mắc phải. Với bài chưa đạt, cô góp ý bằng nụ cười và những câu nói hóm hỉnh. Gặp bài vẽ tốt, “cô giáo” không ngần ngại tuyên dương trước lớp rồi khích lệ thêm tinh thần học tập.
|
Thấy chị sinh viên nhận xét đến bài mình, Nông Thị Thảo (Cao Bằng) hơi ngượng ngùng xấu hổ. Nghe chị hỏi đây là bài của ai tới lần thứ 3, nữ sinh này mới dám giơ tay nhận là bài của mình. Đề bài của buổi học hôm nay về thiên tai, mỗi học sinh có 30 phút để hoàn thành bài vẽ.
Trong thời gian cho phép, Thảo thể hiện trên giấy vẽ khung cảnh lũ lụt. Theo thảo, biến đổi khí hậu hiện là vấn đề nóng, lũ lụt lại xảy ra thường xuyên và nguyên nhân một phần là do con người chặt phá rừng bừa bãi. Bằng chiếc bút chì, cục tẩy và thước kẻ, cô muốn diễn đạt ý tưởng của mình qua những nét vẽ trừu tượng.
Xuống Hà Nội ôn thi đã gần 2 tuần qua, Thảo may mắn được theo học ngay từ những buổi đầu của lớp học đặt biệt này. Ở trọ cùng chị gái, hai buổi một tuần, Thảo bắt xe buýt tới lớp học miễn phí. Do có quen biết nhiều anh chị học ở ĐH Kiến trúc, Thảo được giới thiệu vào lớp của các thủ khoa có điểm thi đầu vào môn vẽ cao nhất. Thảo cho hay, trong bài thi vẽ thường có mỹ thuật 1 (vẽ đầu tượng thể hiện bằng chất liệu chì) và mỹ thuật 2 (bố cụ tạo hình tức là sắp xếp những hình khối và đường nét vào một khung hình sao cho ý nghĩa, đẹp). Trước khi xuống Hà Nội học ôn, cô chưa biết gì về mỹ thuật 2. Đến lớp của các anh chị sinh viên, cô được trang bị kiến thức cơ bản, những kinh nghiệm làm bài và cả cách tránh lỗi thường gặp về bố cục, hình khối.
“Các anh chị giảng nhiệt tình, thoải mái không giống như không khí ở các lò luyện thi. Đến đây, em được anh chị sinh viên chia sẻ nhiều ý tưởng hay, lạ. Lớp học này bổ trợ quan trọng cho phần kiến thức trước đây em chưa biết”, Thảo cho hay.
Do lớp của các thủ khoa chỉ tập trung dạy phần mỹ thuật 2 nên Thảo vẫn phải tới một lò luyện khác gần trường để học mỹ thuật 1. Tập trung vào vẽ, hai môn còn lại là Toán và Lý, Thảo tự ôn luyện ở nhà. Năm nay, cô dự định thi ĐH Kiến trúc và ĐH Kinh tế khối D. Tự tin nhất với môn Toán, Thảo chia sẻ, ở nhà cô dành nhiều thời gian cho vẽ, tự làm đề rồi nhờ các anh chị sinh viên sửa giúp. Nữ sinh người dân tộc tự tin cho biết, ước mơ vào trường Kiến trúc nên nếu năm nay chưa đỗ, cô sẽ ôn luyện để thi tiếp năm sau.
Không giống Thảo được bạn bè giới thiệu, đôi bạn Trịnh Thảo Huyền và Nguyễn Thái Thư ở Nghệ An tình cờ biết đến lớp học của các anh chị sinh viên khi đọc được thông báo lúc ngang qua trường. Ở Nghệ An, hai nữ sinh cũng từng học vẽ đầu tượng. Định ra Hà Nội đăng ký vào lò luyện nhưng do ra muộn, các lớp đã học được nhiều nên hai bạn không thể theo kịp. Hiện tại, hai cô quyết định chỉ theo lớp của các anh chị thủ khoa.
Huyền tâm sự, học phí không quan trọng và cô quan tâm tới chất lượng dạy của giáo viên. Ở lớp của các anh chị sinh viên, cô cảm thấy thoải mái, hứng thú bởi được truyền đạt những đường nét mới mẻ.
Khác với các bạn trong lớp đã theo được nhiều buổi, hôm nay mới là buổi đầu tiên của ba nam sinh đến từ Sơn La, Thái Bình và Hải Dương. Đang học ở một lò khác gần trường, biết đến lớp học miễn phí này, cả ba kéo đến học thử. Được anh chị sinh viên góp ý chi tiết và chỉ ra lỗi trong bài, ba chàng trai “kết” luôn lớp học và bảo nhau sắp xếp lại lịch học ở lò để có thể tham dự đầy đủ các buổi học ở đây. Cách giảng bài nhiệt tình của chị sinh viên, cách chị hay nói từ “à” và “ok” khiến cả ba cảm thấy buổi học vui, không bị căng thẳng.
Không chỉ nhận được sự ủng hộ của các sĩ tử, lớp học của các thủ khoa còn thu hút sự quan tâm của phụ huynh. Không ít học sinh đến lớp ôn thi cũng có mẹ theo học cùng.
Mặc dù không hiểu nhiều về mỹ thuật, kiến trúc nhưng một phụ huynh ở Quảng Ninh vẫn chịu khó buổi nào cũng đến lớp ngồi nghe cùng con. Năm nay con trai mới học lớp 10 nhưng đam mê vẽ nên nghỉ hè, chị đưa con lên Hà Nội thuê trọ học. Người mẹ này tâm sự, cậu con ham đến nỗi chưa tới hôm học đã nhắc nhở mẹ cho khỏi quên. Nhắc đến lớp học, phụ huynh ấy tấm tắc khen ý tưởng dạy miễn phí cho học sinh ngoại tỉnh của sinh viên Kiến trúc. Theo chị, trong khi học sinh ở tỉnh xa bỡ ngỡ về Hà Nội chưa biết đến đâu ôn thi chất lượng, lớp học của các thủ khoa này giúp các em yên tâm hơn.
Mỗi buổi học kéo dài 2 tiếng, học sinh được truyền đạt kiến thức mới, làm bài thi ngay tại lớp và giao bài tập về nhà. Cuối buổi, “giảng viên” thường tổng hợp lại kiến thức rồi nhắc nhở các em về nội dung buổi học sau. Thông thường, buổi học sẽ có một “giảng viên” đứng lớp chính và 2 người khác trợ giảng. Mỗi hôm sẽ là một thủ khoa hoặc người có điểm thi đầu vào môn vẽ cao nhất phụ trách một chủ đề. Trước khi truyền đạt cho học sinh, nhóm thủ khoa sẽ bàn bạc, thống nhất với nhau về “giáo án”.
Theo Hoàng Xuân Hòa, sinh viên năm cuối khoa Kiến trúc Công trình và là người có ý tưởng mở lớp ôn thi miễn phí cho học sinh, lớp học thủ khoa nằm trong chuỗi hoạt động tiếp sức mùa thi của Hội sinh viên ĐH Kiến trúc. Lớp không chỉ quy tụ “cao thủ” trong kỳ thi đại học các năm mà còn có sự tham gia của nhiều bạn đạt điểm vẽ cao nhất, những sinh viên có kỹ năng, học lực tốt. Ngoài việc muốn chia sẻ kinh nghiệm học tập, thi cử, các sinh viên này còn muốn rèn luyện kỹ năng sư phạm.
Sáng kiến mở lớp ôn thi cho các sĩ tử ở tỉnh xa ra đời từ năm 2012 sau một lần tình cờ Hòa biết đến mô hình này. Không phải là thủ khoa nhưng từng vất vả ôn luyện ở các lò, kinh qua 2 năm không đỗ, chàng sinh viên quê Vĩnh Phúc thấu hiểu nỗi vất vả, cả sự hoang mang của thí sinh. Ban đầu, Hòa định thuê lại một phòng trong ký túc xá làm lớp học và thu phí mỗi học sinh 10.000 đồng một buổi. Số tiền thu được sẽ để trả tiền thuê phòng. Biết được ý tưởng của Hòa, hội sinh viên trường đã phối hợp và mượn được phòng học của trường.
Được sự ủng hộ của các thủ khoa, phòng học lại không mất tiền, Hòa bắt tay mở lớp ôn thi miễn phí. Nhận đứng lớp từ mùa trước đến năm nay có nhiều sinh viên khá, giỏi trong đó có Vũ Mạnh Thắng (thủ khoa năm 2009), Đỗ Thị Kim Oanh (điểm vẽ cao nhất năm 2010), Trần Trung Hiếu…
Lúc đầu, chỉ những học sinh có anh chị học ở ĐH Kiến trúc mới biết đến lớp này nhưng sau đó, các em giới thiệu cho nhau và kéo đến học ngày càng đông. Mùa ôn đầu tiên, lớp có khoảng 80 học sinh và gần một nửa số này đỗ đại học. Khác với năm trước, chuỗi chương trình tiếp sức mùa thi kéo dài 10 buổi, năm nay, Hòa dự định sẽ rút ngắn buổi học xuống còn khoảng 7-8 buổi. Cậu hy vọng, mô hình này sẽ tạo tiền đề tốt cho các năm sau và có thể nhân rộng ra các trường khác.
Nhắc tới lớp học, Hòa tâm sự: “Những buổi học vừa mang tính chất chia sẻ vừa dạy các em cách làm bài tốt. Mỗi bạn sinh viên đứng lớp đều từng qua các lò luyện và có thế mạnh riêng. Họ sẽ truyền đạt lại cho học sinh những lỗi trước đây từng mắc phải để các em tránh”.
Hòa cho biết thêm, nhiều em đến lớp còn chưa biết cách vẽ ra sao. Hình ảnh của các em gợi cho các “giảng viên” trong nhóm của Hòa nhớ về thời ôn luyện của mình. Nhận thấy sự khát khao và muốn được học ở các em, nhóm sinh viên thủ khoa càng có thêm động lực để truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức.
Theo Đỗ Huy Hoàng, chủ tịch Hội SV ĐH Kiến trúc, lớp học thủ khoa miễn phí xuất phát từ thực tế đã gặp phải của hầu hết các bạn sinh viên. Nhóm thủ khoa và các bạn có điểm thi vẽ đầu vào cao đã cùng ngồi lại thống nhất giúp học sinh tháo gỡ khó khăn khi lần đầu tiên lên Hà Nội ôn thi. Ngay khi lên ý tưởng cho mùa đầu tiên, chương trình đã nhận được sự ủng hộ của nhà trường và hội sinh viên.
“Tất cả các bạn đứng lớp đều tham gia với tinh thần tự nguyện. Nội dung môn học được các thầy cô trong khoa kiến trúc tư vấn để chương trình ôn luyện sát hơn. Năm ngoái, thủ khoa của trường là học sinh của lớp thủ khoa lần 1 này”, Hoàng nói.
Bình Minh