Trao đổi với VnExpress.net về quyết định của UBND TP Đà Nẵng chấm dứt tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với học viên Hồ Thị Như Mai, Hà Thanh An do tự ý bỏ việc, không thực hiện đủ thời gian làm việc đối với thành phố theo cam kết, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án, cho biết quyết định này hoàn toàn tuân theo bản hợp đồng được ký kết giữa thành phố với học viên.
Với chính sách thu hút nhân tài Đà Nẵng đang thực hiện, những học viên khi về nước làm việc, ngoài hưởng lương theo quy định chung của Nhà nước còn được thành phố hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi tháng trong vòng 5 năm, được bố trí thuê nhà chung cư giá rẻ tùy theo hoàn cảnh cụ thể... "Nhiều công chức tham gia đề án chia sẻ họ cảm thấy may mắn, vì ngoài việc được hỗ trợ tiền đi du học nâng cao kiến thức, họ còn được nhận chính sách ưu ái của thành phố", ông Tiếng nói.
Đánh giá về khả năng bố trí sai công việc hay không đúng khả năng khiến học viên chán nản, bỏ việc, ông Tiếng khẳng định không có chuyện đó. Nhiều người được bổ nhiệm làm lãnh đạo bằng thực lực của bản thân. Như tại Ban Tổ chức Thành ủy, có hai học viên tham gia đề án hiện giữ chức Phó trưởng phòng và Phó chánh văn phòng. Hơn 200 người kết thúc khóa học ở nước ngoài đã tham gia đắc lực trong việc phát triển thành phố. "Không hy vọng họ học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về thì một lúc có thể xoay chuyển được giang sơn, nhưng chính khả năng làm việc hiệu quả, tận tâm của họ đáng được ghi nhận", ông Tiếng nói.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, hai học viên Như Mai và Thanh An làm việc có hiệu quả. Trước khi chấm dứt đề án, lãnh đạo nơi hai công chức này làm việc đã nhiều lần thỏa thuận để "giữ chân" nhưng không có kết quả. "Việc buộc chấm dứt Đề án đối với hai học viên này là sự cố đáng tiếc, thất thoát nhân tài, nhưng đây là dự án đầu tư công nên không thể để số tiền từ ngân sách bị lãng phí. Thành phố không thể bỏ tiền đào tạo để cho người khác sử dụng. Tiền ở đây là công sức, mồ hôi của dân. Người dân hoàn toàn có quyền được biết công chức sau khi du học về làm được cái gì".
Ông Tiếng nói thêm, ở Việt Nam mới chìa tay đón những người tài lên thảm đỏ nhưng chưa mạnh dạn chia tay những người không tương xứng với bằng cấp. Đã là công chức thì phải có tổ chức, không thể dễ dàng bỏ cuộc chơi, thích đi là đi. "Cách ứng xử của thành phố là chí tình, chí lý", ông kết luận.
Người thân của hai học viên cho rằng, con họ không vi phạm hợp đồng và số tiền bồi thường lên đến hàng tỷ đồng khiến họ không kham nổi. Ông Hồ Hữu Nhơn (56 tuổi, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), bố học viên Hồ Thị Như Mai, nói: "Gia đình tôi bất ngờ trước quyết định của thành phố. Mai đã viết đơn xin nghỉ việc một thời gian không lương để lo việc gia đình nhà chồng ở bên Anh, sau đó sẽ về tiếp tục làm việc cho thành phố, nhưng không được chấp thuận, chứ không phải là tự ý nghỉ việc".
Tuy nhiên, ông Nhơn cũng thừa nhận, chị Mai xin nghỉ việc tạm thời đã 1 năm nay và chưa về lại Việt Nam từ khi theo chồng sang Anh vào tháng 7/2012. "Quyết định của thành phố là hơi quá đáng. Gia đình chưa nhận được quyết định, Mai cũng chưa điện về nhà, nhưng chắc nó đã đọc được thông tin trên mạng và chắc cũng rất khó chịu vì bản thân không xù tiền từ Đề án", ông Nhơn nói thêm.
Theo ông Nhơn, thành phố hỗ trợ ngân sách cho học viên này khoảng 60.000 USD trong vòng 3 năm. Dù lấy chồng ở Anh nhưng hai vợ chồng chị Mai đã về Đà Nẵng làm việc được hai năm nay cho đến khi bên nhà chồng có chuyện, không về Việt Nam được. Ông cũng cho biết, nếu bồi thường theo quyết định của UBND thành phố với số tiền khoảng 6 tỷ đồng, gia đình ông không kham nổi.
Ông Hà Phước An, bố của học viên Hà Thanh An, thì cho rằng, số tiền bồi thường theo quyết định của thành phố khoảng 3 tỷ đồng là quá lớn với gia đình và không phù hợp khi bản thân chị An xin được học bổng để học tiếp tiến sĩ ở nước ngoài rồi về phục vụ cho thành phố. "Tôi hy vọng có thể thương lượng với thành phố để số tiền bồi thường hợp lý hơn", ông nói.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Tiếng cho biết, chị Mai lấy lý do cá nhân để nghỉ việc hơn một năm là điều không chấp nhận được. Còn chị An tự ý đi học tiến sĩ khi thành phố chưa có nhu cầu sử dụng tiến sĩ ở Sở Ngoại vụ. "Nếu không xử lý nghiêm thì hàng trăm con người sau khi du học ở nước ngoài về đang cống hiến cho thành phố sẽ cảm thấy bất công, chưa kể đến những người tự bỏ tiền túi ra du học rồi về Đà Nẵng làm việc", ông Tiếng nói.
Với số tiền gần 10 tỷ đồng mà hai học viên này phải bồi thường, ông Tiếng cho biết, khi học viên tham gia đề án đã đọc kỹ và đồng ý ký nhận. Tuy nhiên, thành phố cũng không đưa ra quyết định một cách quá sòng phẳng mà sẽ xem xét hoàn cảnh từng gia đình. Tiền lệ đã có trường hợp phải bồi thường số tiền gấp 3-4 lần nhưng không có chuyện chỉ bồi thường gấp đôi.
"Số tiền lớn không yêu cầu học viên và gia đình phải trả một lúc mà có thể thỏa thuận thời gian nhất định. Trường hợp thương lượng không được thì buộc phải dùng đến pháp luật, đó cũng là luật công bằng", ông Tiếng khẳng định.
Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922) được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành theo quyết định ngày 11/2/2011, do ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, lúc đó làm Trưởng Ban chỉ đạo, nhằm thực hiện chiến lực cán bộ của thành phố đến năm 2020. Hàng năm, thành phố chọn 75 người tham gia Đề án đi học tại các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng trong và ngoài nước. Trong đó, cử 20 người đi học đại học ở nước ngoài, 40 người học đại học ở trong nước, 10 người đi học thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài; tuyển chọn và tiếp tục đài thọ đào tạo cho 5 người đang theo học đại học và sau đại học tại nước ngoài. Kinh phí du học của học viên do thành phố hỗ trợ từ nguồn ngân sách. Đề án cũng quy định học viên bị buộc ra khỏi Đề án, đồng thời phải bồi thường cho thành phố số tiền gấp 5 lần kinh phí đã nhận từ ngân sách thành phố nếu vi phạm một trong các lỗi: tự ý bỏ học; không trở về công tác tại các cơ quan thuộc thành phố; không chấp hành sự phân công công tác trong thời gian thực hiện nghĩa vụ; không thực hiện đủ thời gian làm việc theo cam kết; đơn phương chấm dứt Hợp đồng đào tạo; trong vòng 30 ngày sau khi hoàn thành chương trình học (tính theo thời gian thực họccủa cơ sở đào tạo) không trình diện và báo cáo kết quả học tập cho cơ quan Thường trực Đề án. |
Nguyễn Đông