- Sau khi đại biểu Quốc hội lấy tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, nhiều cử tri cũng như của Mặt trận tổ quốc TP HCM cho rằng việc lấy phiếu xét theo 3 tiêu chí gồm tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp sẽ không thực chất. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
- Trước mắt chúng tôi xin ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, trong đó có ý kiến đề nghị chỉ lấy phiếu theo 2 tiêu chí là tín nhiệm và không tín nhiệm. Còn thay đổi thế nào thì phải để sau khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của HĐND TP, trong kỳ họp Quốc hội tới mình sẽ góp ý.
- HĐND TP thường xuyên có những buổi giám sát công việc của các sở ngành, vậy việc lấy phiếu tín nhiệm có gì khác so với các buổi giám sát?
- Việc giám sát vẫn thực hiện theo công tác của HĐND và đề nghị giám đốc các sở, ngành được giám sát trả lời. Còn việc lấy phiếu tín nhiệm là để thể hiện chính kiến, cách đánh giá của đại biểu HĐND đối với từng người, từng chức danh mà mình đã bầu.
- Nhiều cử tri cho rằng đối với những chức danh có sự tương tác trực tiếp với người dân thường có ít phiếu tín nhiệm cao, nhiều phiếu tín nhiệm thấp và ngược lại. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
- Theo tôi không nhất thiết cứ tương tác nhiều, va chạm nhiều là người ta không bỏ phiếu tín nhiệm đâu. Nhưng để trả lời cụ thể câu hỏi này thì cũng khó nên chúng ta cứ chờ kết quả đợt lấy phiếu tín nhiệm của HĐND TP sắp tới là chính xác nhất.
- Cử tri cũng lo ngại sẽ có đại biểu lợi dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm để không bầu cho người mình không thích khiến cho lá phiếu thiếu công tâm. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Việc này thì ngay cả kỳ bỏ phiếu tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nhắc nhở và lên tiếng. Việc bỏ phiếu phải làm sao để hết sức công tâm, rõ ràng, công khai, minh bạch và chính xác, tránh tình trạng vận động hành lang.
Tất nhiên mỗi người ai cũng có chính kiến của mình nhưng phải dựa trên 2 tiêu chí như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất đạo đức chính trị, lối sống của người đó. Còn khi bỏ phiếu là quyền của đại biểu, không thể can thiệp hay kiểm soát được. Sắp tới, trước khi bắt đầu bỏ phiếu thì chủ tịch HĐND TP cũng sẽ nhắc lại mục đích, ý nghĩa của việc lấy phiếu và đề nghị các đại biểu lưu tâm.
- TP HCM có nhiều sở ngành nhưng tại sao HĐND TP chỉ bó hẹp lấy phiếu tín nhiệm 16 chức danh, trong đó chỉ có 2 Giám đốc sở?
- Vấn đề mở rộng lấy phiếu tín nhiệm của lãnh đạo các sở, ngành thì trong Đảng cũng đã có chỉ đạo. Còn chuyện có mở rộng hay không thì sau đợt lấy phiếu của HĐND TP phải chờ nghe ý kiến của cấp trên, của Quốc hội và của Đảng mới có quyết định được. Đối với những người có số phiếu tín nhiệm thấp, chúng tôi sẽ chờ văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện.
- Có ý kiến cho rằng việc các đại biểu HĐND bỏ phiếu các chức danh chính các lãnh đạo của HĐND giống như "cấp dưới bỏ phiếu cấp trên". Theo bà, phải làm thế nào để bảo đảm được sự công bằng của việc bỏ phiếu tín nhiệm?
- Việc bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới là bỏ phiếu kín, mọi người được tự do thể hiện chính kiến của mình, cũng không ai bị áp lực nào hết nên không có gì phải sợ là "cấp dưới bỏ phiếu cấp trên".
Tại kỳ họp HĐND TP sắp tới (dự kiến diễn ra từ 10-12/7) sẽ có 16 chức danh do HĐND TP bầu sẽ được lấy phiếu tín nhiệm. Trong đó có 6 người ở HĐND TP gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực và 3 trưởng ban. 10 người thuộc UBND TP gồm Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và 5 Ủy viên là Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chánh văn phòng UBND TP, Giám đốc Công an thành phố và Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố. Theo luật HĐND, UBND TP có 13 chức danh do HĐND bầu, tuy nhiên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tất Thành Cang có thời gian công tác chưa đủ một năm theo quy định của Nghị quyết 35 nên chưa lấy phiếu. Một Ủy viên UBND là ông Đặng Công Luận, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ đã nghỉ hưu và Phó chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí đã chuyển công tác cũng sẽ không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành hàng năm là cách để đại biểu HĐND giám sát công việc của những chức danh đã được mình bầu chọn, những việc nào đã làm được, việc nào chưa được, thông qua cách bỏ phiếu để đánh giá sự nỗ lực. Quá trình lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND TP sắp tới cũng được tổ chức thực hiện tương tự như đã làm ở Quốc hội vào cuối tháng 5 vừa qua. Tức là cũng lấy phiếu theo 3 tiêu chí là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. |
Hữu Công