Các cơ quan chức năng chứng kiến khai quật "kho cổ vật 500 năm" trên sà lan ngoài biển. Ảnh: Trí Tín. |
Sáng 4/6, trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 100 chuyên gia, nhà khoa học, nhân viên Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (đơn vị trúng thầu khai quật) bắt đầu hút cạn nước bên trong đê vây cọc cừ để khai quật "kho cổ vật 500 năm" dưới đáy biển xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Đây là lần đầu tiên trên thế giới việc khai quật cổ vật trong tàu bị đắm dưới biển lại được áp dụng theo phương pháp như trên cạn.
Sau hơn 30 phút bơm nước trong phạm vi 300 m2, từng lớp cổ vật nằm chồng xếp lên nhau lộ ra. Phần đuôi và mũi tàu cổ dần phát lộ với những phiến gỗ dày màu đen. Bên mạn tàu dính chặt nhiều mảnh gốm cháy đen nham nhở. Hiện vật khai quật khá đa dạng, gồm đồ tráng men nâu, ngọc, ánh trăng, men lam... "Hoa văn trên hiện vật được vẽ ngược chiều, mang đậm đặc trưng của dòng gốm niên đại cuối thời Nguyên (Trung Quốc) thế kỷ 14", TS Phạm Quốc Quân, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, nói.
Còn PGS.TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam nhận định, tàu cổ từng vận chuyển hàng hóa gốm sứ đi trên "con đường tơ lụa", gặp hỏa hoạn nên bị chìm ở vùng biển gần bờ. Qua đo đạc, tàu dài 24 m, rộng 5 m, chất liệu làm bằng gỗ tốt với từng phiến dày. "Căn cứ vào những vết cháy đen trên hiện vật gốm sứ, rõ ràng con tàu bị chìm do hỏa hoạn. Nguyên nhân cháy có thể do sự cố ngẫu nhiên hoặc gặp cướp biển và điều này cần tiếp tục nghiên cứu", ông Chiến nói.
Sau khi máy bơm hút cạn nước bên trong đê vây ra ngoài, cổ vật bên trong con tàu bắt đầu phát lộ. Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Sung, Giám đốc Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương cho biết thêm, việc khai quật dự kiến kéo dài 20 ngày. Toàn bộ cổ vật sẽ được đưa về trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi phục vụ khách tham quan.
Hiện tại, công ty đã vận chuyển hơn 20.000 cổ vật từ tàu đắm ở vùng biển các tỉnh khác về Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi. Đây là số cổ vật thu thập được từ các đợt khảo sát, khai quật ở các vùng biển Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau và sưu tầm, đấu giá ở Hà Lan.
Trước đó các chuyên gia ước tính, có 40.000 cổ vật bên trong con tàu đắm ở vùng biển Bình Châu, chủ yếu là đồ gốm sứ gia dụng như bát, chậu, chén, đĩa, lư hương, hộp... thuộc dòng men nâu và men ngọc xanh da táo, ô liu. Sau khi trục vớt, bán đấu giá có thể thu hơn 54 tỷ đồng. Xác con tàu và các cổ vật độc bản sẽ được giữ lại để trưng bày phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.
>> Khai quật 'kho cổ vật 500 tuổi'
Trí Tín