![]() |
Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Vĩnh Phúc) thu hút rất nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Vinhtuong.com |
Sáng nay, UBND tỉnh đã báo cáo các đại biểu về đề án sáp nhập huyện Mê Linh vào thủ đô Hà Nội. Mặc dù chưa phải là trọng điểm kinh tế của tỉnh, nhưng mỗi năm, huyện này thu ngân sách 400 tỷ đồng. Khu công nghiệp Quang Minh đang hoạt động khá hiệu quả, thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Ngọc Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhiều đại biểu có ý kiến rằng tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm qua đã đầu tư cho huyện Mê Linh hơn 600 tỷ đồng để cải thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và kinh tế, nâng cao đời sống dân cư. Do vậy, kiến nghị Chính phủ đầu tư thêm cho các vùng khác trong tỉnh sau khi sáp nhập Mê Linh về Hà Nội.
Cuối buổi sáng, 100% đại biểu bỏ phiếu đồng thuận chủ trương sáp nhập huyện Mê Linh về Hà Nội. Sau khi biểu quyết, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết về việc sáp nhập.
Trong tuần tới, nghị quyết này sẽ được gửi Bộ Nội vụ để trình Chính phủ.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, cơ cấu kinh tế của huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) là đô thị sinh thái, với 6.000 ha đất dành cho nông nghiệp và đô thị, 9.000 ha dành cho phát triển nông nghiệp sinh thái. Do vậy, hướng của tỉnh là sẽ chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp của huyện Mê Linh lên Bình Xuyên và Vĩnh Yên. Huyện Mê Linh được thành lập năm 1977, trên cơ sở hợp nhất 2 huyện Bình Xuyên và Yên Lãng. Một năm sau, ngày 29/12/1978 Mê Linh được sáp nhập vào Hà Nội. Đến ngày 17/2/1979, sáp nhập thêm các xã của huyện Sóc Sơn vào huyện Mê Linh, nâng tổng số đơn vị hành chính huyện Mê Linh lên thành 22 xã và 2 thị trấn là Xuân Hòa, Phúc Yên. |
Đoàn Loan