Sáng 13/9, trong khuôn viên cắm trại mừng sinh nhật 50 thành lập trường, thầy Kiên trưng bày gần 200 tác phẩm điêu khắc trên bút chì mình tâm đắc và cùng những học sinh yêu thích môn nghệ thuật còn khá mới lạ ở Việt Nam chăm chú sáng tác. Quê gốc Đà Nẵng, tốt nghiệp chuyên ngành Toán (Đại học Sư phạm Huế), thầy Kiên học cao học ở Vinh và được nhận vào trường Hoàng Hoa Thám giảng dạy. Tình cờ xem một hình mẫu về điêu khắc trên bút chì, thầy lên mạng tìm hiểu kỹ thuật và bắt tay vào sáng tác hơn 1 năm nay. Cặp kính cận 6 diop của thầy giáo trẻ luôn cúi sát xuống bút chì để không làm hỏng những chi tiết nhỏ nhất. Trong số hơn 1.000 tác phẩm của mình, anh chủ yếu dành tặng bạn bè, học sinh và chỉ giữ lại những tác phẩm ưng ý nhất. Đồ nghề ngoài dao rọc giấy, những dụng cụ còn lại đều do thầy Kiên tự sáng chế để phù hợp với mục đích sáng tạo từng tác phẩm. Đến nay đã có gần 50 học sinh được thầy "truyền" nghề miễn phí. "Các em không còn ngôi lân la cả ngày trên máy vi tính mà có thời gian thư giãn, giúp có được khả năng tập trung cao độ", thầy nói. Công đoạn để có được một tác phẩm nghệ thuật trên bút chì cũng khá công phu. Ngoài việc định hình từ trước, người làm dùng dao rọc giấy phác họa, rồi vẽ hình mẫu, tạo hình và cuối cùng là sơn bóng để hoàn thiện tác phẩm. Không dừng ở việc làm theo hình mẫu, thầy Kiên cùng học trò của mình sáng tạo ra những tác phẩm thuộc dạng "không giống ai". "Khi đã thành thạo các kỹ năng cơ bản thì hoàn toàn có thể làm những tác phẩm theo ý mình để tạo sự khác biệt", thầy nói thêm. Tình cờ một lần dùng lửa hơ cây bút chì bằng vật liệu từ đồ tái chế, thấy cây bút có thể cong theo ý muốn, thầy đã có ý tưởng tạo ra những con chim phượng hoàng... Hay con rồng có thể luồn ngón tay vào trong. "Nhiều hôm đang nửa đêm nảy ra ý tưởng, tôi ghi nhớ và ngày hôm sau bắt tay vào làm liền", thầy chia sẻ và cho biết không tiêu tốn nhiều tiền bạc cho công việc này bởi mỗi cây bút giá chỉ 1.000 đồng.. Là hàng làm tay nên không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Để có được sự thành công này, không ít lần thầy giáo Kiên phải bỏ dở những cây bút chì vì sai chi tiết. Những tác phẩm đơn giản như khắc chữ mang tên người, hay biển số xe thầy chỉ mất khoảng 10 phút, nhưng khi làm những sợi dây xích từ ruột bút chì thì phải mất hàng tháng trời. "Có những sợi dây xích mình làm đến giờ vẫn chưa xong", thầy chia sẻ. Mong muốn tạo ra những tác phẩm đặc trưng, thầy đã làm 6 cây cầu độc đáo nhất Đà Nẵng trên thân bút chì. Theo thầy, Đà Nẵng hiện chưa có một sản phẩm du lịch đặc trưng, nên thầy cùng những học trò của mình đang ấp ủ dự định sẽ mang những tác phẩm của mình đi ký gửi tại các cửa hàng để khách du lịch mua làm quà lưu niệm. Trước mắt, thầy đang hoàn thiện những "dự án" về những bộ sưu tập theo từng chủ đề và cẩn thận bảo quản những "đứa con" của mình. Nhiều học sinh say sưa theo dõi thầy giáo làm điêu khắc trên bút chì, có em vì quá thích những tác phẩm độc đáo đã ngỏ ý mua lại nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. "Mình làm vì đam mê chứ không có mục đích thương mại. Nếu những tác phẩm từ bút chì được chọn làm sản phẩm du lịch mình cũng chỉ hướng dẫn học sinh làm chứ không tham gia vào việc bán mua, vì việc dạy học là quan trọng", thầy Kiên tâm sự. Nguyễn Đông