504 quả bóng được thả lên trời trước tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ trong đêm 15/3 mang theo thông điệp vì thế giới hòa bình. Ảnh: Trí Tín. |
Hoạt cảnh tái hiện buổi sáng bình yên của Mỹ Lai 45 năm trước (16/3/1968) bỗng xuất hiện quân viễn chinh Mỹ thực hiện cuộc thảm sát đẫm máu, giết hại 504 người dân vô tội (đa số là người già, phụ nữ và trẻ em) khiến nhiều người rưng rưng.
Trong tiếng chuông ngân, hàng nghìn người dân cùng các du khách quốc tế đã dành phút mặc niệm, cầu siêu cho linh hồn nạn nhân được siêu thoát. Cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm kéo vĩ cầm bên chân tượng đài với mong ước xoa dịu nỗi đau thương trên mảnh đất này.
Từng dòng người nối nhau dâng hương hoa trước tượng đài Sơn Mỹ và thắp nến, thả hoa đăng sáng lung linh ở khu chứng tích Sơn Mỹ. Những nghệ sĩ đã thả 504 quả bong bóng và bồ câu lên bầu trời mang theo thông điệp vì thế giới hòa bình.
Du khách đến từ Mỹ dâng hương tưởng niệm 504 nạn nhân trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: Trí Tín. |
Ông Ronald Haeberle, phóng viên ảnh người Mỹ, tác giả hơn 60 bức ảnh ghi lại những giây phút kinh hoàng của nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai, cũng về dự lễ tưởng niệm. Ông đã công bố những bức ảnh này trên tạp chí Life để sau đó Chính phủ Mỹ mới vào cuộc điều tra, công nhận vụ thảm sát.
Trong chuyến trở lại lần này, ông gặp nhiều bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình, đặc biệt là gặp lại Đỗ Ba, cậu bé 8 tuổi may mắn được 3 cựu chiến binh Mỹ cứu sống trong vụ thảm sát Mỹ Lai cách đây 45 năm. Ôm chầm lấy Đỗ Ba và con trai 5 tuổi của anh, ông nói: "Vụ thảm sát Mỹ Lai ám ảnh mãi đời tôi. Hy vọng thời gian sẽ làm lành vết thương và mảnh đất này hồi sinh mạnh mẽ trong tương lai", ông Ronald bộc bạch.
Lần thứ tư dẫn đoàn sinh viên sang Việt Nam dự lễ tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai, GS Hirosui Fujimoto, ĐH Nanzan (Nhật Bản) thổ lộ, nước Nhật từng trải qua mất mát lớn trong chiến tranh, lại hứng chịu động đất, sóng thần để lại thảm họa khủng khiếp. Cùng chung mất mát, hai đất nước dễ đồng cảm và chia sẻ nỗi đau.
Ông Ronald Haeberle, phóng viên ảnh người Mỹ, xúc động khi gặp lại Đỗ Ba, nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát. Ảnh: Trí Tín. |
"Chúng tôi muốn tình đoàn kết, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản ngày càng tốt đẹp. Dẫu vùng đất Sơn Mỹ còn nhiều nghèo khó nhưng chúng tôi hy vọng, với tinh thần lạc quan, người dân nơi đây sớm vươn lên trong cuộc sống", GS Fujimoto nhấn mạnh.
Trước đó chiều 15/3, các thành viên của Tổ chức Madison Quackers và thầy trò ĐH Nazan, ca sĩ người Mỹ Tony Brown đã giao lưu âm nhạc, phát động cuộc thi vẽ tranh với đề tài yêu quê hương, đất nước; đồng thời trao 30 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho trẻ nghèo vượt khó, học giỏi trường Tiểu học số 1 Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh.
Những bức ảnh chưa từng công bố về thảm sát Mỹ Lai |
Trí Tín