Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, để giảm tải cho bến xe Mỹ Đình và giảm ùn tắc phương tiện ra vào thành phố, từ ngày 20/7, các xe đi phía nam sẽ tập trung tại các bến phía nam, xe phía bắc khởi hành tại bến phía bắc...
Theo đó, sẽ gần 360 lượt xe đi từ bến xe Mỹ Đình sẽ chuyển đến các bến khác, như xe đi Hòa Bình về bến Yên Nghĩa; xe đi Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ về các bến xe Yên Nghĩa, Gia Lâm, Nước Ngầm.
Hầu hết nhà xe đều có đơn kiến nghị không đồng tình với phương án di chuyển. Theo đơn kiến nghị tập thể của 25 doanh nghiệp vận tải Thanh Hóa, trong năm đầu hoạt động (2005) bến xe Mỹ Đình vắng khách, các nhà xe này đã chấp nhận bù lỗ hàng tỷ đầu tư phương tiện, con người. Sau 8 năm, họ đã hoạt động ổn định thì đột ngột phải chuyển 60 xe tuyến Thanh Hóa đến bến xe Yên Nghĩa, bến Nước Ngầm, nơi nguồn khách không ổn định, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Phùng Thị Thơm, Giám đốc Công ty CP vận tải Thanh Hoa, cho biết, các nhà xe ở Thanh Hóa sẽ cương quyết không di chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình bởi “khách đã quen xe” và “xe đã quen tuyến”. Nếu đi thì doanh nghiệp “chắc chắn phá sản”.
Tương tự, hàng chục doanh nghiệp vận tải có xe chạy tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Thái Bình cũng phản đối khi bị điều chuyển khỏi bến xe Mỹ Đình vì lo ngại doanh thu giảm sút khi đến bến mới. Nhiều ngày nay, họ tập trung tại bến xe Mỹ Đình yêu cầu đối chất với lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội.
Không chỉ các doanh nghiệp bất ngờ mà nhiều người dân cũng lo lắng trước việc điều chuyển. Quê huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), chị Hoàng Dương, sống ở khu vực Mỹ Đình, cho hay, nếu các xe về huyện này chuyển về bến xe Nước Ngầm thì chị sẽ phải đi ngược đường đến bến xe cả chục km, rất mất thời gian và tốn tiền đi lại.
Bất hợp lý nữa là nhiều xe từ Thanh Hóa đến bến xe Mỹ Đình thường chạy theo đường Hồ Chí Minh – Xuân Mai đến cửa ngõ phía tây Hà Nội là bến xe Mỹ Đình. Các xe này sẽ phải kéo dài tuyến để chạy đến bến xe Nước Ngầm hoặc bến Yên Nghĩa, làm tăng lưu lượng phương tiện nội đô.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội, hơn 300 xe khách bị điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình đi các bến khác sẽ làm xáo trộn việc đi lại của nhân dân cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Trong khi đó, các doanh nghiệp liên quan trong quá trình thay đổi luồng tuyến không được lấy ý kiến nên không có đồng thuận. Sau khi di chuyển, nguy cơ phát sinh xe dù, xe cóc là dễ thấy.
“Lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo sắp xếp các bến xe đảm bảo không gây xáo trộn việc đi lại của người dân, quyền lợi của doanh nghiệp, kiên quyết xử lý xe dù, bến cóc… song việc sắp xếp của Sở GTVT Hà Nội thực sự đi ngược lại chỉ đạo này”, ông Liên nói.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội nên tạm dừng việc giảm tải bến xe Mỹ Đình cho đến khi đầu tư xong bến xe mới. Nếu quyết tâm thực hiện thì cần lộ trình ít nhất trong một năm để các doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi. Ông đơn cử bến xe Lạng Sơn đã mất 2 năm mới hoàn tất việc di chuyển xe ra bến mới.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Sở GTVT cho biết, cơ quan này đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải xin ở lại bến xe Mỹ Đình. Trước mắt, sẽ điều chuyển các xe hoạt động tại bến Mỹ Đình sau tháng 10/2009 vì các xe này được bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân vào thời điểm đó, đã có cam kết di chuyển nếu có điều động của cơ quan quản lý. Với các xe hoạt động tại bến từ năm 2005 đến tháng 10/2009 tạm thời chưa phải di chuyển.
Sắp tới, Sở GTVT sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp có liên quan về quyết định sắp xếp lại các bến xe ở Hà Nội.
Đoàn Loan