8h30 lễ viếng chính thức bắt đầu. Trời Sài Gòn chợt kéo mây đen khiến không khí ngày quốc tang thêm trầm buồn. Khi bản nhạc "Hồn tử sĩ" trầm vang cùng nén hương đầu tiên do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm được thắp lên, cũng là lúc nhiều người rơi lệ, trời đổ mưa.
Dòng người chờ đến lượt vào viếng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: T.C. |
Đến viếng ông Võ Văn Kiệt, ngoài các đoàn Chính phủ, Nhà nước, các bộ, sở, ngành còn có hàng chục nghìn người đến từ những tỉnh thành trong cả nước. Nhiều người chưa một lần gặp mặt cố Thủ tướng, nhưng những tiếng gọi thân mật như "ông Sáu, bác Sáu" vẫn cứ tuôn trào trong câu chuyện với nhau khi chờ đợi đến lượt vào thắp hương, như thể họ đến chia tay với một người thân trong gia đình.
Ông Huỳnh Minh Đoàn, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp ngậm ngùi: “Chúng tôi đến đây với lòng tri ân về một con người đã có công chỉ đạo biến vùng đất khô cằn quê tôi thành một xứ sở màu mỡ, giúp người dân quê tôi thoát khỏi cảnh khốn khó. Tôi biết trong lòng mỗi người dân Đồng Tháp vẫn mãi không quên công ơn của chú”.
Bà Tuyết Mai, cựu nữ tù chính trị Côn Đảo, sáng sớm nay đã tức tốc từ Long An đón xe lên TP HCM để kịp dự lễ phúng viếng. Bà Mai cho biết, trước khi đi, nhiều đồng đội ở quê bà do tuổi già sức yếu không thể đến viếng đã nhắn nhủ rằng: “Hãy nói với ông Sáu, chúng tôi không bao giờ quên ông”.
Còn bà Trịnh Thu Nga, biệt danh Út Huyền, 71 tuổi, từng làm thư ký cho cố thủ tướng thời ông còn là Bí khu ủy khu Sài Gòn - Gia Định cho biết, bà và các đồng đội hết sức hụt hẫng và thương tiếc khi nghe tin ông Sáu Dân qua đời.
“Với tôi và nhiều chị em từng công tác tại Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, anh Sáu không chỉ là người chỉ huy mà còn là một người bạn, một người anh tận tụy. Chính ông đã làm chủ hôn cho tôi và nhiều chị em khác”, cựu nữ tù chính trị nói trong nước mắt. Chồng bà vốn là bảo vệ thân cận của ông Chín Dũng, biệt danh khác của ông Sáu Dân lúc bấy giờ.
Từng làm việc cho cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từ thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ, bà Đặng Hồng Nhật cho biết, đứng tại lễ tang mà vẫn chưa hết bàng hoàng vì mới đây bà còn thấy ông Sáu khỏe mạnh trong kỳ họp quốc hội vừa qua…
Nhiều em học sinh trường tiểu học đến viếng ông Sáu còn quá bé, chưa đủ cao để nhìn thấy mặt ông qua nắp quan tài nên phải kiễng chân, nước mắt lặng lẽ tuôn.
Sự tiếc thương đọng lại trong đôi mắt của nhiều người đến viếng, sau khi thắp hương xong, nhiều người vẫn còn nấn ná chưa chịu rời khỏi hội trường.
Tại phòng sổ tang, những dòng tiếc thương dành cho cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đầy ắp những quyển sổ. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được viết: “Vĩnh biệt anh Sáu Dân…Trời mưa đầm nước mắt. Từng giây ta bắt gặp… Hình anh lúc khải hoàn”.
Không may mắn được vào viếng vì ban tổ chức lễ tang chỉ ưu tiên cho khách đến từ các đoàn đã đăng ký trước, nhiều người dân Sài Gòn đứng luôn ngoài cổng Dinh Thống Nhất chờ cơ hội vào chào ông Kiệt lần cuối.
Lặn lội từ xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, ông Huỳnh Ngọc Mỹ (75 tuổi) đã có mặt tại cổng Dinh Thống Nhất đúng 7h sáng nay, quyết tâm dành trọn ngày cuối tuần để tiễn đưa "anh" Sáu.
Ông Huỳnh Ngọc Mỹ cùng chiếc xe đạp từ Bến Tre lên túc trực trước Dinh Thống Nhất với mong mỏi được vào thắp nén hương cho cố Thủ tướng. Ảnh: Vũ Lê |
Bên chiếc xe đạp tồi tàn và bộ đồ nghề bình dị, ông Mỹ kiên nhẫn chờ đợi. Ông kể đã khởi hành từ 3h sáng tại Bến Tre, tới trung tâm thành phố gần 7h, và hy vọng chiều nay sẽ được hoàn thành tâm nguyện thắp nén hương cho vị cựu thủ tướng mà ông quý mến.
Người khách từ quê hương Đồng Khởi với mái tóc bạc phơ búi gọn đúng kiểu lão nông Nam bộ, tay ôm chiếc nón cối có màu xanh bạc thếch, tay giữ máy chụp hình mong ghi lại những hình ảnh tiễn đưa ông Sáu. Ông Mỹ nói với VnExpress: "Anh Sáu Dân là người chiến sĩ trung kiên và chân chính mà tôi từng biết".
Cách cổng Dinh Độc Lập chừng 100 m, nhiều ông cụ xấp xỉ 80 lặng lẽ hướng về nơi tổ chức quốc tang trong nửa giờ đồng hồ như mặc niệm và trò chuyện với người đã khuất; rồi bảo con cháu đưa về. Một cụ tâm sự: "Chúng tôi đã già hết rồi, vào trong cũng chẳng cần thiết nữa, tiễn anh Kiệt bằng tấm lòng là đủ".
Nhiều sinh viên từ các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn thành phố như Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh tế, Bách khoa, Ngoại thương, Sư phạm... cũng đợi phía ngoài nơi diễn ra tang lễ với phong thái nghiêm trang và thành kính.
Sinh viên Nguyễn Lệ Hoa, trường Đại học Kinh tế TP HCM cùng 3 người bạn chia sẻ: "Có lẽ buổi sáng tụi em vô trong không được vì mọi người xếp hàng đông quá, nhưng sẽ chờ tháp tùng cùng với các đoàn của trường khác vào chiều hôm nay".
Đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, ngày một đông dần. Hàng chục cảnh sát giao thông, công an, cảnh vệ, trật tự viên tuần tra quanh Dinh Độc Lập để giữ trật tự điều khiển lưu thông.
Nhiều tòa nhà lớn tại trung tâm Sài Gòn treo cờ rủ theo nghi lễ quốc tang, kể cả công sở, trung tâm thương mại, khách sạn, công ty...
Tại Hà Nội, hầu hết cơ quan đều treo cờ rủ trong ngày đầu quốc tang cố Thủ tướng. Các hoạt động vui chơi giải trí tạm ngừng.
Nửa tiếng trước giờ bắt đầu lễ viếng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhiều người tập trung trước sân Trung tâm hội nghị Quốc tế mang theo những vòng hoa tươi. Bàn đăng ký vào viếng đông nghịt người, trong đó có cả những đoàn của Đại sứ quán Trung Quốc, Hàn Quốc, Cu Ba... và đại diện các tỉnh từ Sơn La, Hải Phòng, Bắc Ninh...
Đứng tần ngần trước sân chờ đến lượt vào làm lễ, ông Trần Viết Tâm, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar (năm 1994-1997), xúc động kể lại những kỷ niệm đáng nhớ với vị cố Thủ tướng: "Năm 1994, khi tôi vừa trình Quốc thư được 4 ngày thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua thăm Myanmar. Kể từ lần thăm này, quan hệ ngoại giao giữa hai nước được tăng cường đáng kể".
Còn ông Đỗ Ngọc Dương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Indonesia (1991-1994) nhấn mạnh: "Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo xuất sắc, có nhiều đóng góp lớn. Ông là người dám nghĩ, dám làm, năng nổ đi sâu thực tế và từ thực tế lại nảy ra những cái mới".
Nhóm phóng viên