![]() |
Cầu thang xuống tầng hầm nhà D67 đi từ phòng làm việc của tướng Giáp. |
Khu hầm lớn nhất nằm dưới khoảng sân nối giữa điện Kính Thiên và nhà D67 dành cho Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương gọi là hầm D67. Hai đường dẫn xuống hầm bắt nguồn từ hai phòng làm việc của tướng Giáp và tướng Dũng trong nhà D67, đường hầm rộng 1,2 m, có 45 bậc thang bêtông, trát đá granite. Đi sâu xuống 10 m là hệ thống văn phòng của tổng hành dinh ngầm gồm bốn phòng rộng 50 m2, chung một hành lang bên phải.
Phòng họp hình chữ nhật toàn khối, nền lát gạch, có một cửa ra vào. Các phòng bên dành cho ban thư ký và phòng để máy móc, điện đài. Cuối cùng là phòng chứa hệ thống thông hơi, lọc khí đồ sộ chạy điện được chế tạo tại Liên Xô. Các lối lên xuống của hai đường hầm và cửa ra vào có tới sáu cửa thép sơn xanh dày 12 cm, có nhiều tay nắm và hệ thống gioăng cao su có thể ngăn nước và khí độc.
Toàn bộ hệ thống hầm ngầm đều liên hoàn đường điện máy phát. Hệ thống thông tin, liên lạc, hậu cần, lương thực… đều đầy đủ. Đầu ra của hai cửa hầm này dẫn lên phòng làm việc của hai đại tướng tại nhà con rồng. Ngoài hệ thống hầm ngầm này, khu A thành cổ còn nhiều hệ thống hầm ngầm khác. Riêng những bộ phận đã được bàn giao cho ban quản lý thành cổ là bốn khu hầm.
Ngoài hầm của Bộ Chính trị vừa nói còn có hầm trước cửa nhà “con rồng” (dưới nền điện Kính Thiên), hầm gần khu làm việc của Cục Tác chiến và hầm của Ban cơ yếu có quy mô nhỏ hẹp, đơn giản hơn nhưng cũng chống được bom và tên lửa hạng nặng.
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền cho biết, những năm 1965-1966 Mỹ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc, Bộ Tổng tham mưu lập kế hoạch bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não tại thành cổ với ba mức: báo động, xuống hầm và di tản. Hệ thống hầm ngầm sẽ được sử dụng ở mức báo động 2.
Ông kể, nhiệm vụ thiết kế, xây dựng nhà, hầm được giao cho Bộ tư lệnh Công binh. Một số bộ phận như máy thông hơi, lọc khí, cửa sắt, điện đài… được nhập khẩu từ Liên Xô. Khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ từ nhiều trung đoàn chuyên môn được huy động đào, xây hầm.
Hằng đêm, vào giờ giới nghiêm, anh em thắp điện làm việc trong sự canh phòng cẩn mật. Hệ thống nhà, hầm được xây dựng sáu tháng thì hoàn tất. Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương dời địa điểm làm việc từ nhà “con rồng” xuống nhà D67. Thời kỳ Mỹ ném bom ác liệt nhất cũng thỉnh thoảng Bộ Chính trị mới phải làm việc dưới hầm ngầm.
Tại hầm ngầm dành riêng cho Cục Tác chiến trong thành cổ Hà Nội hôm nay vẫn còn rất nhiều máy điện thoại thời kháng chiến.
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền cho biết, trong đó có một chiếc dành riêng để liên lạc trực tiếp với điện thoại của ông Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác Hồ ở Phủ chủ tịch, vì Cục Tác chiến là nơi đầu tiên (cấp trung ương) nhận được thông tin các đơn vị báo về tình hình chiến sự, trong đó có thông tin máy bay Mỹ sắp tấn công nơi nào.
Máy điện thoại này có nhiệm vụ báo cáo Bác trước tiên nếu máy bay Mỹ không kích Hà Nội. Ông Hiền nhớ nhiều khi anh em gọi sang nhà Bác, ông Vũ Kỳ đi vắng, Bác cầm máy trực tiếp nói chuyện với người gọi. Tuy Bác không xưng danh nhưng anh em ai cũng nhận ra và lấy đó làm niềm vui sướng cả tuần. Đó cũng chính là thời gian cuộc chiến chống lại không lực Mỹ diễn ra ác liệt nhất.
Bắt đầu từ tháng 11/1972, Cục Tác chiến trong thành cổ Hà Nội đã được lệnh trực ban 24/24. Sáng 18/12/1972 Cục Quân báo báo cáo tình hình có diễn biến bất thường, có thể địch ném bom Hà Nội. 19g10, phòng làm việc của tướng Giáp tại nhà D67, chiếc điện thoại để chế độ ưu tiên số 1 réo liên hồi.
Người trực ban báo cáo: B52 đã cất cánh từ Guam, Utapao (Thái Lan), nhiều tốp bay dọc sông Mekong lên phía bắc. Các lực lượng chiến đấu đã sẵn sàng, vào cấp 1 xong... Mấy phút sau còi báo động rú liên hồi. 19g45 bom bắt đầu nổ ở Hà Nội, bom của B52 phá toác ra từng quầng lửa, chớp giật liên hồi.
Ngay lập lức rồng lửa Thăng Long (tên lửa phòng không) nối nhau bay vút lên không trung, đan những vết sáng màu da cam giữa màn đêm Hà Nội. Cơ quan tổng hành dinh hối hả làm việc với báo cáo, nhận tin, truyền lệnh... Tướng Giáp yêu cầu Bộ Tổng tham mưu cứ 5 phút báo cáo một lần. 20g20 tướng Giáp nhận điện thoại của phó tư lệnh phòng không không quân Nguyễn Quang Bích báo cáo: tiểu đoàn 59, trung đoàn tên lửa 261 bộ đội phòng không Hà Nội bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay B52.
Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng toàn tổng hành dinh. Tướng Giáp không kiềm chế được cảm xúc, đứng dậy đi thẳng ra ngoài sở chỉ huy. Ông ngửa mặt nhìn bầu trời cuối năm, muôn ngàn ánh lửa ngang dọc màn đêm đen đặc. Đêm 20, rạng 21 ta đã lập công xuất sắc, phóng 35 quả bắn rơi bảy B52, các vùng lân cận cũng chiến thắng giòn giã.
Cuộc chiến càng thêm ác liệt trước sự điên cuồng của Mỹ. Tổng hành dinh làm việc hết sức khẩn trương. Phần lớn phải làm việc dưới hầm. Lực lượng cơ yếu, quân báo, tác chiến, thông tin hầu hết thức trắng. Mắt ai cũng hõm sâu.
Tướng Giáp gọi điện xuống các sư đoàn nói: “Cả nước đang hướng về Hà Nội, toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương theo dõi cuộc chiến này. Vận mệnh Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.
Đêm 26/12, địch huy động hàng trăm lần B52 đánh phá Hà Nội. Đã có lúc căn hầm chỉ huy kiên cố của tổng hành dinh rung chuyển như động đất. 22g30, tiểu đoàn 76 trung đoàn tên lửa 257 phối hợp với trận địa phòng không biến hai máy bay B52 thành hai khối lửa khổng lồ sáng rực cả một góc trời phía nam thành phố. Một trong hai chiếc rơi ngay vào cửa hàng ăn Tương Mai (quận Hai Bà Trưng). Đứng giữa sân tổng hành dinh, tướng Giáp xúc động lặng người.
Vừa chỉ huy các mặt trận, tướng Giáp vừa chỉ thị cho Bộ tư lệnh Phòng không - không quân thu thập các thiết bị điện tử và tài liệu trên xác máy bay nghiên cứu, bổ sung cách đánh.
Một hôm, con trai út của ông sơ tán ở Hòa Bình đem về tập tài liệu của bộ tư lệnh tập đoàn không quân Mỹ định vị các vị trí tên lửa và cao xạ của ta cùng các chỉ lệnh ném bom do người dân thu được. Trên bìa có ghi “Tài liệu mật, không được đưa ra khỏi bộ quốc phòng”. Tướng Giáp viết thêm: “Trừ Bộ Quốc phòng Việt Nam”…
Đêm 30/12, trời Hà Nội cuối đông, ngồi trong nhà D67 duyệt thông cáo chiến thắng B52 là giây phút suốt đời không quên của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
(Theo Tuổi Trẻ)