Dự định xây chợ tạm tại quảng trường Thống Nhất theo đề nghị của UBND thành phố Hải Dương được xem xét lại sau khi tỉnh nhận thấy một số bất cập. Nếu chợ được xây dựng tại đây sẽ ảnh hưởng đến lưu thông trên trục đường huyết mạch Thống Nhất – Bạch Đằng. Thời gian xây chợ dự kiến mất khoảng 3 tháng, việc kinh doanh gián đoạn kéo dài sẽ khiến các tiểu thương gặp khó khăn. Ngoài ra, chợ tạm xây theo dạng nhà cấp 4 sẽ khó đảm bảo quy mô, điều kiện an ninh, phòng chống cháy nổ.
Một số địa điểm tái kinh doanh cho các tiểu thương đã được đặt ra, trong đó có phương án sử dụng chợ Hội Đô nằm ở phía Tây thành phố. Đây là khu chợ mới, cách trung tâm thương mại khoảng 4,5km, đã có sẵn chỗ cho khoảng 300 gian hàng, giao thông thuận tiện vì nằm ngay gần Quốc lộ 5. Nếu được bà con đồng thuận, thành phố sẽ cho xây bổ sung các công trình phụ trợ để đảm bảo điều kiện kinh doanh cho bà con tiểu thương.
Trước thông tin chính quyền đang xem xét lại phương án xây chợ tạm tại quảng trường Thống Nhất và có thể bố trí tái kinh doanh tại chợ Hội Đô, hàng trăm tiểu thương tỏ ra lo lắng. 531 tiểu thương đã cùng ký một lá đơn gửi UBND tỉnh Hải Dương, kiến nghị không bố trí tái kinh tại chợ Hội Đô bởi đây là nơi "hẻo lánh xa xôi, không hợp lý với nhu cầu mua bán của nhân dân".
"Chúng tôi khẩn thiết mong các lãnh đạo tỉnh xem xét lại chủ trương mới này và giữ nguyên nghị quyết xây chợ tạm trong cuộc họp ngày 15/9. Hàng ngàn sinh mạng của 531 hộ kinh doanh đang mong chờ sự quan tâm của các vị lãnh đạo tỉnh", đơn kiến nghị của các tiểu thương viết.
Chia sẻ lo lắng của các tiểu thương, Phó chủ tịch thành phố Hải Dương Vũ Tiến Phụng cho rằng, bố trí tái kinh doanh tại chợ Hội Đô cũng phần nào gây khó khăn cho các hộ bán lẻ. Ông cho hay, kiến nghị của các tiểu thương đã được chuyển tới lãnh đạo tỉnh.
“Các phương án vẫn đang được tính toán, cân nhắc, kể cả phương án xây chợ tạm tại quảng trường Thống Nhất như dự kiến ban đầu”, ông Phụng lưu ý.
Về phương án xử lý tòa nhà trung tâm thương mại trước nguy cơ sập đổ, ông Phụng cho biết, dự kiến khoảng 7 ngày nữa sẽ có kết quả phân tích các mẫu lấy tại hiện trường để quyết định thời điểm và cách thức phá dỡ tòa nhà. Trong khi đó, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng đang phân tích, giám định các thông tin, mẫu vật thu thập tại hiện trường để hỗ trợ ban chuyên án sớm tìm ra nguyên nhân vụ cháy.
Liên quan tới quá trình điều tra vụ cháy, ông Phụng cho biết khi các điều tra viên của Viện Khoa học hình sự lên tầng 3 Trung tâm Thương mại, phát hiện tòa nhà xuất hiện những biến động kết cấu nguy hiểm khiến công việc khám nghiệm hiện trường phải dừng lại. “Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng nhiều tới chuyên án bởi hướng điều tra đang tập trung vào khu vực tầng một”, ông Phụng cho biết.
Do tòa nhà có nguy cơ sập đổ cao, một số kios trên tầng 3 không bị cháy, hàng hóa còn lại vẫn chưa thể di dời ra ngoài. Ông Phụng khẳng định, hiện trường sẽ tiếp tục được đóng kín cho đến khi có kết luận về độ an toàn của tòa nhà.
Sau vụ cháy, Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả đã nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức khắp cả nước. Một số nơi đã ủng hộ vật chất để giúp bà con tiểu thương vượt qua khó khăn.
Cho đến thời điểm hiện tại, Ban chỉ đạo đã nhận được khoảng 500 triệu đồng, trong đó có 30 triệu tiền ủng hộ của bà con tiểu thương của Trung tâm Thương mại Hạ Long. “Toàn bộ số tiền các nơi ủng hộ sẽ được chuyển tới tận tay bà con tiểu thương”, ông Phụng khẳng định.
Quý Đoàn