Ảnh hưởng của bão Mangkhut, mưa lớn liên tục 2 ngày qua khiến toàn bộ lưu vực sông Nhuệ (135 km2) có mưa to. Các hồ Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu (Chương Mỹ), Quan Sơn (Mỹ Đức) và Kèo Cà (Sóc Sơn) đều phải xả tràn. Lũ các sông như Tích, Bùi lên báo động 2. Nghiêm trọng hơn là mực nước sông Nhuệ nằm giữa vành đai 3 và 4 của Hà Nội lên cao hơn một mét so với mực nước sông Tô Lịch trong nội đô.
*Video: Hàng trăm chiến sĩ cứu đê sông Nhuệ |
Nước lên nhanh khiến bờ hữu sông Nhuệ thuộc xã Tây Tựu (Từ Liêm) bị tràn khoảng 600 m vào chiều 8/8 và đã được xử lý ngay sau đó. Đến rạng sáng 9/8, bờ đê sông Cầu Ngà (nhánh của sông Nhuệ) thuộc xã Tây Mỗ (Từ Liêm) bị sạt lở khoảng 20-30 m. Nước tràn vào khu dân cư và tuyến đường xung quanh, trong đó có đường 70, gây ngập sâu 0,7 m. UBND thành phố đã chỉ đạo huyện Từ Liêm, Công ty Thủy lợi Hà Nội và Bộ Tư lệnh thủ đô ứng phó, gia cố bờ đê.
Để giảm mực nước sông Nhuệ, đồng thời cũng tránh những sự cố tương tự, Công ty thoát nước đã đề xuất lãnh đạo thành phố mở cống Thanh Liệt, xả nước sông Nhuệ vào Tô Lịch để tiêu thoát ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở. Lúc 14h chiều 9/8, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội đã cho phép đơn vị này mở cửa đập Thanh Liệt.
"Chúng tôi sẽ bơm nước từ từ vào sông Tô Lịch rồi bơm ra sông Hồng qua trạm Yên Sở, đảm bảo không tràn vào khu dân cư tại nội đô, không tái ngập cho nội thành. Thời gian xả nước phụ thuộc lượng nước trên sông Nhuệ và từ thượng nguồn đổ về", đại diện đơn vị thoát nước cho biết.
Bên cạnh việc xả nước sông Nhuệ ra sông Tô Lịch, các công ty thủy lợi cũng đã vận hành 193 trạm bơm với hơn 1.000 máy để tiêu úng ngập cho thành phố, đồng thời đóng điều tiết Cầu Đìa (Từ Liêm), Cầu Sa (Hoài Đức) để hạn chế nước vùng Đan Phượng, Hoài Đức chảy vào sông Nhuệ.
Đến trưa 9/8, trời hửng nắng, nội thành Hà Nội vẫn còn một số điểm úng ngập 20-30 cm. Tại tuyến đường vành đai 3, nhất là "điểm đen" Keangnam vẫn ngập tới 50 cm. Theo Công ty thoát nước Hà Nội, sở dĩ tuyến này khó thoát nước là hệ thống cống bị tắc nghẽn trong quá trình thi công làm đường. Hiện đường cống vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị thoát nước.
Theo cơ quan khí tượng, mưa to chỉ duy trì tại Hà Nội cũng như các tỉnh Bắc Bộ nốt ngày 9/8, sang ngày mai trời sẽ chỉ mưa nhỏ. Vì thế kịch bản úng ngập như năm 2008 chắc chắn sẽ không lặp lại.
Trong cơn mưa lịch sử năm 2008, Hà Nội từng phải tiêu thoát nước cho khu vực ngoại thành bằng cách xả nước từ sông Nhuệ vào hệ thống thoát nước Hà Nội thông qua cửa cống Thanh Liệt. Ngoài ra, thủ đô cũng phải cầu cứu Hà Nam để hút bớt nước sông Nhuệ qua trạm bơm Yên Lệnh.
Sông Nhuệ là nhánh nhỏ của sông Hồng, dài 76 km, bắt đầu từ cống Liên Mạc, huyện Từ Liêm, chảy qua Thanh Trì, quận Hà Đông, các huyện Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên (Hà Nội) và cuối cùng là Phủ Lý (Hà Nam). Nhiệm vụ chính của sông Nhuệ là tiêu thoát nước cho lúa với tiêu chí mưa 3 ngày tiêu 5 ngày. Nhưng nay do đô thị hóa phía Tây Hà Nội, lưu lượng tiêu tăng gấp đôi gây quá tải cho sông và úng ngập cho nội thành Hà Nội. |
Đoàn Loan