Theo quy định của Bộ, thanh tra Sở, Phòng thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại các cơ sở giáo dục địa phương. Đối với Giáo dục mầm non, thanh tra sẽ tập trung vào việc thành lập cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, chuyển đổi trường mầm non ngoài công lập sang công lập, việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Việc thực hiện các quy định về điều kiện cần thiết đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ cũng được kiểm tra.
Đối với Giáo dục phổ thông, các đoàn thanh tra sẽ kiểm tra việc thực hiện giáo dục linh hoạt, triển khai Đề án tiếng Anh trong giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, thanh tra cũng sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, quản lý dạy thêm, học thêm, thu chi kinh phí ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh của các trường.
"Việc kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá theo chuẩn đối với giáo viên, hiệu trưởng... cũng sẽ được làm nghiêm", văn bản hướng dẫn ghi rõ.
Công tác thanh tra năm học 2013-2014 sẽ chú trọng kiểm tra việc thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đặc biệt, việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, đánh giá theo chuẩn giám đốc trung tâm, chuẩn nghề nghiệp giáo viên...sẽ được làm ngặt.
Đối với giáo dục chuyên nghiệp, đại học, các đoàn thanh tra sẽ kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhắc nhở, Bộ sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định công khai chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, chỉ tiêu tuyển sinh..., nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Bộ Giáo dục yêu cầu các Sở, Phòng làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Các địa phương phải giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hoàng Thùy