Trong Hội thảo sơ kết 2 năm hoạt động của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, các giáo sư đầu ngành đã cùng thảo luận vấn đề phát triển toán ứng dụng song hành với toán lý thuyết. Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế FPT Nguyễn Thành Nam bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lãnh đạo Viện Toán cao cấp và đánh giá cao những kết quả mà Viện đã đạt được. Tuy nhiên, theo ông Nam, Toán học Việt Nam hiện rất xa rời thực tế, nếu các nhà Toán học ngồi chờ ứng dụng đến thì nó sẽ đi qua.
"Chúng tôi sẵn sàng chào đón các nhà Toán học đến doanh nghiệp, muốn ở bao lâu, cần cung cấp thông tin gì chúng tôi đều sẵn sàng đáp ứng", ông Nam nói và góp ý, Viện Toán cao cấp cần nói rõ hiệu quả kinh tế đã làm được trong thời gian hoạt động để người dân hiểu rõ.
Vai trò của Toán học ứng dụng cũng được GS Phạm Kỳ Anh (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao. Ông lấy ví dụ về cơn bão Chanchu năm 2006, các nhà khí tượng dự báo bão đổ vào đất liền và khuyên người có thuyền bè chạy ra ngoài biển để tránh. Nhưng cuối cùng dự báo sai và hơn 200 người thiệt mạng. Đến năm 2008, các đài cũng dự báo sai khi cho rằng mưa to gây ngập lụt ở Nam Định, còn lượng mưa ở Hà Nội thấp. Song thực tế, mưa to ròng rã khiến Hà Nội rơi vào trận lụt lịch sử.
Ông chia sẻ, mô hình mà các trung tâm dự báo khí tượng đang sử dụng là từ nước ngoài nhưng khi ứng dụng ở điều kiện của Việt Nam, dữ liệu không được đồng hóa. Mặt khác, mô hình nước ngoài nhưng lại chạy trên một chiếc máy có chất lượng kém nên sai sót là đương nhiên.
"Trong trường hợp này, toán học có vai trò rất quan trọng là đặt phương trình nhiệt động lực học phức tạp để tính toán, đồng hóa số liệu", GS Kỳ Anh nói và đề xuất, toán học Việt Nam cần tập trung ứng dụng vào việc thiết thực như dự báo những hiện tượng liên quan đến thời tiết, điều hành các hồ chứa nước…
Đồng quan điểm, GS Đàm Thanh Sơn (Viện Lý thuyết hạt nhân, ĐH Chicago, Mỹ) cho rằng, bên cạnh phát triển toán học thì Viện toán cần mở rộng và liên kết với nhiều ngành khác để các ứng dụng đi vào thực tiễn, giúp ích cho cuộc sống như nghiên cứu về Khí tượng thủy văn hay Công nghệ thông tin.
Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia Hà Nội) tâm sự, làm toán ứng dụng ở Việt Nam khác với ở nước ngoài. Ở Việt Nam, người làm khoa học phải biết làm cả kế toán, quản lý tài chính công thì mới có thể làm được dự án. Nguyên nhân là do không có sự đồng bộ, không có ai hỗ trợ.
“Nhiều người nghĩ làm ứng dụng là giống như các công ty. Tôi hy vọng Viện toán sẽ có những kế hoạch để có những ảnh hưởng chung về mặt bằng toán trong xã hội, sao cho toán ứng dụng không phải là tầm thường”, ông Việt bày tỏ.
Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin cũng kiến nghị, nhân lúc Nhà nước và xã hội đang ủng hộ, Viện nên chạm đến vấn đề cải cách trong dạy toán ở nhà trường bởi cách dạy hiện nay khiến người học về sau khó có thể làm toán ứng dụng. Ngay cả toán lý thuyết, trình độ của nhiều sinh viên khoa Toán kém xa ngày xưa. Vì vậy, ông đề xuất, bên cạnh bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên dạy toán, Viện toán cao cấp nên thành lập câu lạc bộ để các giáo sư tiếp xúc với những sinh viên quan tâm.
“Tôi nhớ hồi 4 tuổi, mẹ tôi cho gặp GS Hoàng Hữu Tường, GS Nguyễn Hoàng Phương sau đó cả đời tôi chỉ đi học hình, tích phân nên việc truyền lửa rất quan trọng. Viện cũng cần xây dựng, thiết kế một vài ứng dụng cụ thể để bắt đầu những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực toán ứng dụng”, TS Việt kiến nghị.
Phản hồi những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, GS Ngô Bảo Châu cho biết, giữa toán thuần túy và toán ứng dụng, không có cái nào tầm thường hay quý tộc hơn. Làm toán ứng dụng thực sự rất khó, đó là điều mọi người đều nhìn thấy.
GS Châu cho rằng, quan niệm làm khoa học của người quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học rất khác nhau và không thể áp đặt lên nhau. Lãnh đạo Nhà nước cần đưa ra những nghị quyết, mục tiêu và tiêu chí đánh giá số hóa để xem có hiệu quả hay không, doanh nghiệp muốn ‘tôi trả tiền cho anh, anh làm việc đó cho tôi’…
“Tôi rất tiếc đó không phải là cách các nhà khoa học hoạt động, cũng không phải là cách khoa học phát triển từ lúc nhân loại hình thành đến bây giờ. Khoa học chưa bao giờ phát triển qua những hợp đồng cụ thể, giao việc và trả tiền. Khoa học phát triển chủ yếu từ nội lực của nó, như GS Nobel Vật lý Sheldon Glashow đưa ra một định nghĩa rất đơn giản về khoa học thuần túy, đó là nó phát triển từ nội lực, từ sự tò mò muốn được khám phá”, GS Châu nói.
Ông bày tỏ, vai trò của Viện là làm khoa học, phục vụ đất nước bằng cách nâng cao trình độ Toán học về mặt khoa học. Kết quả của khoa học không tính bằng số bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài, không bằng doanh số. Điều quan trọng là các nhà khoa học trẻ khi làm việc ở Viện thu hoạch được những gì và các nhà khoa học nổi tiếng thế giới đánh giá hoạt động của Viện ra sao. “Những con số thuần túy không thể nói hết được”, GS Châu nói và khẳng định, đối với một cơ quan nghiên cứu, xét việc gì mình có thể làm tốt thì làm, không ôm đồm, không bao sân.
“Tôi hy vọng trong thời gian tới, những người làm toán ứng dụng và những ngành khác sẽ cùng với Viện triển khai một số nghiên cứu ứng dụng toán học trong phạm vi của viện, hoặc chương trình của quốc gia. Viện luôn mở cửa chào đón các nhà khoa học đến làm việc và giáo viên, học sinh đến học tập”, GS Châu kêu gọi.
Hoàng Thùy