Đa số người tiêu dùng Việt Nam hiện nay quan niệm, giấy càng trắng thì càng tốt, còn giấy tối màu được cho là chất lượng kém. Vì thế phụ huynh thường mua sách, vở có độ trắng cao như 80% ISO, 82% ISO, 84% ISO. Tuy nhiên, quan điểm này vừa được các chuyên gia bác bỏ trong một nghiên cứu về độ trắng của giấy.
Nghiên cứu do nhóm khoa học thuộc NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện cho thấy, khi học sinh đọc những dòng chữ chi chít trên trang giấy trắng, nhất là đọc hết trang này sang trang kia thì mắt các em sẽ bị lóa, mệt mỏi, và lâu ngày dễ sinh cận thị.
Một số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị cận thị, thậm chí có nơi con số này lên tới 80%. "Trong quá trình học tập, các em luôn dán mắt vào sách, vở. Vì thế, việc để những trang sách vở trở nên thân thiện hơn với mắt học sinh liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có việc lựa chọn độ trắng của giấy", tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục, chủ trì nghiên cứu cho biết.
Theo tiến sĩ Quang, trên thế giới, một số nước đã có ý thức về việc thay đổi độ trắng của giấy, như Nhật Bản hiện không sử dụng giấy trắng có độ cao, mà dùng loại giấy hơi ngả vàng (loại giấy có độ trắng thấp), sách giáo khoa của Nga cũng tương tự.
Để tìm ra độ trắng phù hợp, tiến sĩ Quang và các bác sĩ Học viện Quân y đã tìm hiểu 102 học sinh ở Hà Nội. Những em này được chia thành hai nhóm: 55 học sinh tiểu học, và 47 học sinh trung học cơ sở. Mỗi học sinh được gắn một camera độ phân giải cao gần mắt, để ghi hình cận cảnh mắt và đồng tử trong quá trình đọc.
Từ đó, các nhà khoa học đo được thông số kích thước đồng tử, khoảng cách khe mi, sự thay đổi đường kính đồng tử khi nhìn vật sát mắt và xa mắt, và số lần nháy mắt. Đây đều là thông số thể hiện sự thích nghi của mắt với cường độ ánh sáng được phản chiếu từ trang giấy mà học sinh đang đọc. Nếu trước và sau khi đọc có sự thay đổi nhiều về các thông số này nghĩa là trong quá trình đọc học sinh phải điều tiết nhiều để thích nghi với cường độ ánh sáng phản chiếu.
Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy, sự thay đổi của kích thước đồng tử trước và sau khi đọc hết hai trang giấy ở mẫu giấy có độ trắng 82 - 84% ISO là lớn nhất và ở mẫu giấy có độ trắng 73 - 75% ISO là thấp nhất. Sự thay đổi khoảng cách khe mi trước và sau khi đọc hết hai trang giấy cũng cho kết quả tương tự.
"Rõ ràng, giấy có độ trắng 73-75% ISO phù hợp làm giấy in ruột sách và vở viết cho học sinh. Độ trắng này có thể áp dụng cho sách giáo khoa, vở viết, thậm chí cả giấy in, photocopy", tiến sĩ Quang nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài ý nghĩa về mặt sức khỏe, nghiên cứu còn có ý nghĩa về mặt môi trường và kinh tế. Tiến sĩ Cao Văn Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH Viện công nghệ giấy và cellulo cho biết, giấy tẩy trắng thấp có chất lượng và độ bền cao hơn.
Ngoài ra, hiệu suất thu hồi bột sau tẩy đối với bột giấy có độ trắng thấp thường cao hơn 1,2% đến 2,1%. Việc tiêu hao hóa chất, nguyên liệu cho sản xuất bột giấy độ trắng thấp ít hơn nhiều so với độ trắng cao, đặc biệt giảm trên 50% lượng clo hoạt tính sử dụng. Hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nước thải khi sản xuất bột giấy và giấy độ trắng thấp thấp hơn so với sản xuất bột giấy và giấy độ trắng cao.
"Các nhà sản xuất hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ sản xuất bột giấy với công nghệ tẩy truyền thống để tạo giấy có độ trắng thấp và trung bình", ông Sơn cho hay.
Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia và nhà sản xuất lo lắng là từ khi chuyển từ độ trắng cao sang độ trắng 73-75% ISO, tức độ trắng thấp sẽ có một số trở ngại, nhất là tâm lý người tiêu dùng. Các nhà sản xuất cũng đề nghị cần có thêm nghiên cứu về độ trắng của giấy trong thời gian tới.
Hương Thu